Cần đầu tư cho lực lượng cứu nạn trên biển

.

Ông Cao Văn Minh lò dò từng bước đứng trên bờ kè bê-tông, một bên là Âu thuyền Thọ Quang, một bên là Lăng thờ Cá ông của làng chài Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Về neo đậu ở đây thì ngó bình yên rứa đó, chứ ra khơi thì phải chạm mặt với biết bao bất trắc, ông vừa chỉ tay về phía những con tàu gần như nằm yên trong âu thuyền vừa nói.

Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Nại Hiên Đông  Cao Văn Minh mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để ngư dân yên tâm ra khơi xa hơn khi ngư trường gần trở nên cạn kiệt. Ảnh: V.T.L
Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Nại Hiên Đông Cao Văn Minh mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để ngư dân yên tâm ra khơi xa hơn khi ngư trường gần trở nên cạn kiệt. Ảnh: V.T.L

Hơn một năm trước, con trai đầu của ông, anh Cao Minh Tâm, thuyền trưởng tàu ĐNa 90684 TS đang tổ chức đánh bắt hải sản tại ngư trường vịnh Bắc Bộ, cách Đà Nẵng khoảng 200 hải lý (370km), cách cảng Cửa Lò (Nghệ An) khoảng 70 hải lý (130km) thì bất ngờ ôm bụng la đau không cách chi chịu nổi. Nhận được tin cấp cứu, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 tại Đà Nẵng (Danang MRCC) nhận định nếu điều tàu từ Đà Nẵng ra thì quá xa, e không kịp, nhân có tàu SAR 274 của đơn vị đang làm nhiệm vụ cứu hộ lũ lụt ở cảng Cửa Lò, bèn cử ngay tàu này chạy gấp ra. Sau khi tiếp cận tàu ĐNa 90684 TS, đội ngũ y tế xác định anh bị bị thủng dạ dày, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ không giữ được mạng sống. Tàu SAR 274 nhanh chóng vào đất liền, đưa anh Tâm vào Bệnh viện 115 Nghệ An điều trị, cứu anh thoát chết trong gang tấc.

Tìm kiếm, cứu nạn 24/24 giờ

Trên cương vị Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Nại Hiên Đông, ông Minh biết rất rõ thông tin về tàu và thuyền viên gặp nạn ngoài khơi và được Danang MRCC (ông gọi là Trung tâm II) ứng cứu thành công. Tàu bè ngày một được trang bị hiện đại, nhưng vì sao phường Nại Hiên Đông có số tàu gặp nạn ngày một nhiều hơn? Ông hỏi tôi, rồi tự trả lời: Năm 2016, cả nghiệp đoàn chỉ có 24 tàu, cuối năm 2017 tăng lên 54 tàu, tới tháng 11-2018 tăng gần gấp đôi với 106 tàu. Tàu đông nên số lượng tàu bị nạn tăng lên nhiều là điều hiển nhiên.

Hôm trước, nói về công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, Thượng tá Nguyễn Thành Đính, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng cho biết giữa BĐBP và Danang MRCC có quy chế phối hợp. Có 2 đài thông tin luôn duy trì liên lạc với ngư dân, một đặt tại Đồn BP Phú Lộc, một đặt ở Đồn BP Sơn Trà. Ngư dân ra khơi mỗi ngày ít nhất liên lạc một lần với một trong 2 đài này. Các trường hợp tông va, vướng lưới, thuyền viên bị nạn… đều thông báo cho 2 đài đó. Trong năm 2018, các đài cung cấp cho Danang MRCC 65 trường hợp tàu hỏng máy trên biển; 115 thuyền viên trong và ngoài thành phố bị tai nạn lao động hoặc đau ốm đột xuất khi đang đánh bắt ngoài khơi.

Sự phối hợp ăn ý giữa 2 đơn vị này đã mang lại bình yên cho ngư dân. Ông Minh kể, mới đây, ngày 29-11, tàu ĐNa 91060 TS có 10 thuyền viên do thuyền trưởng Cao Minh Tấn (cũng là con trai ông) điều khiển bị chết máy, trôi dạt về phía Đông, cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 30 hải lý. Danang MRCC nhận được tin báo, vừa cử tàu ra ứng cứu thì qua liên lạc đã bắt được sóng thông tin của tàu CSB 2012 đang thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển Cồn Cỏ nên đề nghị tàu CSB 2012 thay mình ra tiếp cận, lai dắt tàu ĐNa 91060 TS ra khỏi vùng sóng gió nguy hiểm về cảng Hải đội 2 an toàn và bàn giao cho BĐBP thành phố Đà Nẵng.

Với Danang MRCC, do hoạt động trên địa bàn rộng lớn nên từ đầu năm đến tháng 11-2018, đơn vị đã trực tiếp cứu 131 người (trong đó có 2 người nước ngoài) và trực tiếp đưa vào bờ 7 tàu bị nạn. Ông Nguyễn Trung Đức, Phó phòng Tổ chức Hành chính của Danang MRCC cho biết, đầu năm nay đơn vị đã điều động tàu SAR 274 cùng ê-kíp bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng vượt biển trong đêm ra khơi cứu nạn thuyền viên Eliseo Jr. Burton Estrabon (quốc tịch Philippine) bị đột quỵ trên tàu Maribor (quốc tịch Liberia) trên hải trình từ Singapore đi Trung Quốc. Bệnh nhân được đưa vào bờ an toàn và chuyển đến Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng tiếp tục điều trị.

Để ngư dân yên tâm ra khơi xa hơn

Cấp cứu thuyền viên tàu Maribor (quốc tịch Liberia) bị đột quỵ. (Ảnh do Danang MRCC cung cấp)
Cấp cứu thuyền viên tàu Maribor (quốc tịch Liberia) bị đột quỵ. (Ảnh do Danang MRCC cung cấp)

Đã qua “Hăm ba tháng Mười”, nhưng Đà Nẵng lại gặp trận mưa lớn lịch sử. Những năm trước, mưa to luôn kèm gió lớn và tàu thuyền lênh đênh ngoài khơi là nỗi lo không chỉ người ngoài biển mà cả người trên bờ. Mỗi khi mưa bão kéo tới, công tác thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn không phải bao giờ cũng được “xuôi chèo mát mái”. Thượng tá Nguyễn Thành Đính muốn nói đến trường hợp một số ngư dân rất “lì”, kêu gọi chi cũng không chịu vào bờ, tới lúc bão áp sát bên lưng mới chịu “nhổ neo”. Biết rằng con tàu là cả gia tài của ngư dân, nhưng không nên vì thế mà đánh đổi mạng sống của các thuyền viên trên tàu, để lại nỗi đau cho người thân và gây khó khăn cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ.

Về việc này, ông Minh bao giờ cũng khuyến cáo ngư dân trong nghiệp đoàn cân nhắc thiệt hơn để đưa ra quyết định đúng đắn, tránh hối tiếc về sau, nhất là khi ngư trường cạn kiệt, ngư dân phải ngày một vươn khơi xa hơn. Ông tính, hiện mỗi chuyến đánh bắt chỉ dưới 10 ngày, trong tương lai sẽ kéo dài từ 20 ngày đến một tháng, như thế rủi ro trên biển sẽ càng nhiều hơn và công tác tìm kiếm, cứu nạn của Trung tâm II và BĐBP Đà Nẵng sẽ vất vả hơn.

“Với phương tiện hiện nay của Trung tâm II thì e rằng sẽ không đáp ứng đủ và kịp thời cho công tác tìm kiếm, cứu nạn ngư dân ngoài khơi xa. Chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều hơn cho Trung tâm II về nhân lực, phương tiện, ví dụ như thành lập một đội máy bay cứu hộ như các nước khác. Có như thế, ngư dân sẽ yên tâm ra khơi xa hơn, để không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tố quốc Việt Nam”, ông Minh tha thiết.

 VĂN THÀNH LÊ


 

;
;
.
.
.
.
.