Đi tìm ân nhân giúp đồng đội

.

Trong căn nhà ở số 111 Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Đại tá cựu chiến binh Võ Văn Minh bồi hồi nhớ lại những ngày đánh Tây. Kỷ niệm mà nhà viết sử tuổi gần 90 này nhớ mãi đó là đi tìm chiến sĩ biệt động tấn công địch ở rạp chiếu bóng Morin năm xưa. Kỳ diệu hơn nữa, ông Minh còn tìm được ân nhân của đồng đội mình từ bài viết đăng trên báo Đà Nẵng.

Ông Võ Văn Minh với ký ức ngày kháng Pháp. Ảnh: H.V
Ông Võ Văn Minh với ký ức ngày kháng Pháp. Ảnh: H.V

Từ cuộc gặp ở Hà Lam

Đại tá Võ Văn Minh, nguyên Trưởng phòng Lịch sử Quân khu 4, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 93 (Quảng Nam-Đà Nẵng) trong chống Pháp, có trí nhớ minh mẫn khác thường. Từng lớp sự kiện của đất nước và cá nhân ông như được sắp xếp từng ngăn và có thể hình dung dễ dàng. Ký ức về người bạn Đà Nẵng tên Võ Văn Tâm, quê Hòa Vang, đôi lúc làm ông nghẹn ngào.

“Nếu Tâm còn sống thì tầm tuổi như bác”, ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Ngày ấy, cả hai cùng ở chung tiểu đoàn 100, Trung đoàn 93, cùng đánh trận Cẩm Phô (Hội An) 1948, thắng lợi vẻ vang. Sau đó vì là người Đà Nẵng nên Tâm được rút về làm biệt động thành. Tháng 5-1950, trong lúc dừng chân ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam) ông Minh bỗng thấy một dáng người quen thuộc, khập khiễng đi qua.

Mừng quá, ông gọi to: “Tâm phải không?”. Đúng là Tâm thật. Bây giờ ông mới biết người trước mặt vừa lập chiến công lớn. Dưới sự chỉ huy của Thành đội trưởng Nguyễn Văn Lang (Lang đen), ngày 3-3-1950, ông Tâm và chiến sĩ Huấn giả dạng lính Pháp trà trộn vào rạp chiếu bóng Morin, rạp lớn nhất ở Đà Nẵng lúc bấy giờ, ném lựu đạn vào bọn sĩ quan Pháp ngồi hàng trước, tiêu diệt và làm thương vong hàng chục tên.

Với thành tích nức tiếng này, Tâm và Huấn sau đó được tặng thưởng huân chương. Trên đường rút lui, hai chiến sĩ bị địch bắt và trói quặt vào nhau. Ở trên xe ra pháp trường, thừa lúc chúng không để ý, hai anh mở được dây trói và trốn thoát. Địch bắn theo, Tâm bị thương nặng, may nhờ cơ sở cứu sống. Tạm ổn, anh tiếp tục đi an dưỡng ở Quảng Ngãi nên mới đi qua Hà Lam và gặp đồng đội.

Chiến trường giục giã, mỗi người một hướng, ông Minh không còn gặp người bạn Đà Nẵng suốt 50 năm. Về hưu năm 1995, từ Quân khu 4, ông Minh vào định cư ở Đà Nẵng. Năm sau, nhớ người bạn đẹp trai, dũng cảm năm xưa, ông hỏi thăm và tìm đến trung tâm huyện Hòa Vang.

Đại tá Võ Văn Minh sửng sốt khi thấy trong căn nhà tồi tàn, trên lợp giấy dầu rách lỗ chỗ có người đàn ông thân hình tong teo, bệnh tật đang nhìn khách mừng rỡ.

Giây phút hàn huyên, cựu biệt động thành Đà Nẵng kể về một quãng đời thăng trầm của mình. Sau khi an dưỡng ở Liên khu về, ông Tâm tiếp tục hoạt động trong lòng địch và bị bắt đày ra Côn Đảo suốt 6 năm.

Được thả về, cơ sở lúc này đã bại lộ, không bắt được liên lạc với đằng mình, ông Tâm đành dắt vợ con lên Cheo Reo (Gia Lai) làm ăn, đến giải phóng quê hương mới dắt díu về. Giấy tờ mất hết, sức khỏe ốm yếu vì bị tra tấn tù đày, ông sống bằng quầy bán thuốc lá dạo của vợ.

Không đành lòng để người có công bị quên lãng, ông Minh làm đơn kêu cứu ở Sở Lao Động, Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó gửi thư cho cả ông Trần Đình Hoan, lúc này là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Khi sắp được hưởng chế độ, thì cũng là lúc ông Tâm qua đời.

Thành phố Đà Nẵng đã cấp cho gia đình ông 3 triệu đồng để trang trải hậu sự và sửa lại căn nhà. Ngày ông Minh cùng đồng đội Trung đoàn 93 trở lại thắp hương bạn thì ngôi nhà đã được xây gạch, tuy chưa trát được tường nhưng khang trang hơn trước nhiều lần.

Bàu Thạc Gián có bà Sáu Cội

Đại tá Võ Văn Minh không hề biết bà Sáu Cội cho đến khi gặp ông Tâm. Trên giường bệnh, với giọng đứt quãng, cựu biệt động thành khẩn cầu: “Minh ơi, đừng quên người cứu tôi năm xưa là chị Sáu Cội. Chị ở đâu, cậu nhớ tìm cho ra”.

Theo câu chuyện của ông Tâm thì ngày đó, khi trốn thoát khỏi xe áp tải của Pháp, bị 5 viên tiểu liên găm vào người, trong đó một viên dính vào bắp chân, ông Tâm lết vào một nhà dân ở ngã ba Cai Lang. Ông Lỳ chủ nhà và một người phụ nữ còn trẻ mà ông Lỳ gọi là chị Sáu đã trực tiếp cầm máu, chăm sóc Tâm.

Lợi dụng đêm tối, cả hai khiêng người chiến sĩ vào nghĩa địa gần đó, hằng ngày cơm nước. Bà Sáu Cội gọi y tá đến tiêm kháng sinh, theo dõi vết thương. Để bọn lý trưởng ở khu phố không dòm ngó, bà lo lót chúng rất tốn kém. Sau khi sơ cứu, qua hiểm nghèo, ông Lỳ và bà Sáu cùng một cơ sở nữa đưa ông Tâm lên bệnh xá của ta ở tây Hòa Vang. Ông Tâm mất liên lạc với ân nhân của mình từ đó.

Bà Nguyễn Thị Cội thời trẻ.  (Ảnh con gái bà Cội cung cấp)
Bà Nguyễn Thị Cội thời trẻ. (Ảnh con gái bà Cội cung cấp)

Khâm phục nghĩa cử của bà Sáu, ông Võ Văn Minh viết bài đăng trên Báo Quảng Nam-Đà Nẵng (năm 1996): “Chị Sáu Cội cứu ông Tâm, giờ ở đâu?”. Vài ngày sau, có hai bà cháu đến tòa soạn báo nhận mình là nhân vật trong câu chuyện.

Ông Minh được tin, đến ngay nhà bà Sáu ở phường Thạc Gián. Sau này không những ông mà nhiều đồng đội cũng đến thăm. Bà Sáu làm bún, nhà cha mẹ khi xưa khá giả ở mặt tiền đường Lý Thái Tổ. Sau vụ việc cứu ông Tâm, có ai đó báo nên bọn địch khám nhà, thấy có giấy “Đảm phụ kháng chiến”, chúng bắt bà tra tấn, đánh đập một thời gian rồi thả.

Chồng tập kết ra Bắc, bà ở lại nuôi cô con gái (hiện đang sống ở Đà Nẵng, đã nghỉ hưu). Do không liên lạc được, chồng lấy vợ khác, bà cũng kiếm thêm cô con gái sinh năm 1965. Sau giải phóng, bà Nguyễn Thị Cội tham gia hợp tác xã, truyền nghề làm bún cho khu dân cư.

Có nhiều cống hiến cho cách mạng, nhưng bà chẳng kê khai để hưởng chế độ. Người y tá được bà mời cứu chữa ông Tâm năm ấy, từ xa lặn lội về gặp và sẵn sàng xác nhận giúp. Ông Minh cũng hứa sẽ lo giúp bà giấy tờ nhưng bà nói: “Bao nhiêu người còn khổ hơn, để họ nhận phần đó. Mình sống tạm vậy được rồi”. Bà mất năm 2002, thọ 78 tuổi, khi ở chung với cô con gái út trong căn nhà nhỏ hẹp, đơn sơ ở số 47/24 A đường Lý Thái Tổ, Đà Nẵng.

Chị Nguyễn Thị Tưởng Phố, con gái bà Cội, làm nghề buôn bán nhỏ, nhớ về mẹ mình đầy tự hào: “Mẹ tôi kín tiếng lắm, chẳng bao giờ kể chuyện cũ. Bà nói, bọn Pháp xâm lược nước mình, không trực tiếp cầm súng thì giúp được gì cho cách mạng phải làm thôi.

Mỗi người một tay mới mong nước nhà độc lập chứ”. Lục trong cuốn ảnh gia đình, chị Phố tìm được tấm ảnh mẹ mình chụp thời vừa sinh chị Hai, sau khi bà cứu ông Tâm vài năm. Người phụ nữ trong ảnh có gương mặt thật đẹp và cương nghị, nét xuân sắc ấy vẫn giữ được đến cuối đời.

Đại tá Võ Văn Minh khẽ khàng: “Mỗi lần nhớ đến Đà Nẵng thời kháng Pháp, tôi lại nhớ đến anh Tâm và chị Sáu. Họ lặng lẽ mà can trường quá. Tôi thật ngưỡng mộ. Không có những con người như thế, làm sao có được một Đà Nẵng tươi sáng như hôm nay”.

Hồng Vân

;
.
.
.
.
.
.