Nhà trưng bày Hoàng Sa: Điểm đến của tinh thần yêu nước

.

Sau gần một tháng đi vào hoạt động, Nhà trưng bày Hoàng Sa trở thành điểm đến hấp dẫn người dân và du khách.

Nhà trưng bày Hoàng Sa tọa lạc góc ngã ba Hoàng Sa-Phan Bá Phiến, quận Sơn Trà.  Ảnh: N.T
Nhà trưng bày Hoàng Sa tọa lạc góc ngã ba Hoàng Sa-Phan Bá Phiến, quận Sơn Trà. Ảnh: N.T

Một chiều cuối tháng tư, theo chân nữ phiên dịch viên Trần Thị Lê Na hướng dẫn tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa, tôi như hòa vào thiên nhiên, đất trời Hoàng Sa. Bước chân vào nhà trưng bày, đập vào mắt là cột mốc được tái hiện với dòng chữ tiếng Pháp khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam từ những năm 1938.

Tầng 1 của nhà trưng bày, thông tin về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Hoàng Sa được thể hiện rõ qua hàng loạt bản đồ, hình ảnh. Tầng 2 với những thư tịch cổ, hình ảnh hoạt động của quân và dân ta trên quần đảo Hoàng Sa qua nhiều năm tháng.

Đặc biệt, người xem tìm thấy ở đây hàng loạt bản đồ cho thấy Trung Quốc không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các bản đồ của các nước phương Tây xác định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tầng tiếp theo là những bằng chứng chủ quyền sinh động của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945 đến nay. Đây là những chứng cứ vô giá chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, không thể nào chối cãi được.

Theo ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, từ khi đi vào hoạt động, nhà trưng bày thu hút gần 2.000 lượt khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh các đoàn khách trong nước, nhiều du khách từ Nhật Bản, Việt kiều các nước cũng đến đây để tìm hiểu về Hoàng Sa. Nhà trưng bày hiện có 2 thuyết minh viên ngôn ngữ Việt - Anh và Việt - Trung đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan.

Chỉ tay vào tấm ảnh người phụ nữ bật khóc trước hàng chục ống kính phóng viên cạnh chiếc tàu đầy thương tích, chị Trần Thị Lê Na kể: “Đây là con tàu mang số hiệu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê) bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26-5-2014 ở phía tây khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

10 ngư dân trên tàu bị hất văng xuống biển, may mắn được tàu bạn cứu vớt. Mấy ngày sau, con tàu ĐNa 90152 được lai dắt về bờ, mang trên mình đầy thương tích. Bà Hoa quyết định trao tặng con tàu ĐNa 90152 cho UBND huyện Hoàng Sa để làm bằng chứng”. Tới đây, tàu ĐNa 90152 được đưa về đặt phía sau nhà trưng bày và đây sẽ là bằng chứng chân thực nhất tố cáo tội ác của tàu Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.

Học sinh đến tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa để hiểu thêm về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Học sinh đến tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa để hiểu thêm về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Đến với Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ có thế hệ cha anh, nhiều lớp thanh niên, sinh viên, học sinh cũng tìm về để bồi đắp thêm lòng yêu nước, yêu biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trường THCS Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là trường đầu tiên đưa những lớp học sinh đến tham quan, tìm hiểu nhà trưng bày.

Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Sa Mai Huyền Thu Hoài chia sẻ: “Các thế hệ học sinh được học trong ngôi trường mang tên Hoàng Sa nên việc tham quan, tìm hiểu về Nhà trưng bày Hoàng Sa là rất cần thiết. Qua đó, chúng tôi giáo dục ý thức về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cho học sinh, bồi đắp thêm tình yêu nước, yêu biển, đảo của Tổ quốc”.

Theo ông Lê Tiến Công, những buổi tham quan nhà trưng bày được ví như những tiết học ngoại khóa giúp học sinh tìm hiểu về lịch sử địa phương. “Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi cung cấp thông tin, tư liệu và bằng chứng chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Điều này giúp học sinh củng cố hiểu biết, tạo nền tảng bảo vệ đất nước, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Lê Tiến Công khẳng định.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Nhà trưng bày Hoàng Sa là công trình minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý chí bảo vệ cương giới lãnh thổ của tổ tiên, của các thế hệ người Việt đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Có được Nhà trưng bày Hoàng Sa là quyết tâm của lãnh đạo thành phố và Trung ương, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, là sự đoàn kết, thống nhất của mỗi người Việt Nam, dù làm gì, ở đâu, cương vị nào cũng có trách nhiệm chung sức, chung lòng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; để nội dung tại Nhà trưng bày Hoàng Sa ngày càng phong phú, sinh động hơn, đóng góp tiếng nói và minh chứng mạnh mẽ hơn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Võ Ngọc Đồng nói.

LAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.