Nguồn nhân lực chất lượng: động lực cho phát triển Đà Nẵng

.

Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng vào năm 1997, ngay từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII (tháng 10-1997), để đáp ứng yêu cầu phát triển năng động và đột phá, Đảng bộ thành phố chủ trương thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) cho khu vực công.

Chính sách phát triển NNLCLC của thành phố liên tục phát triển và hoàn thiện, đến Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, phát triển NNLCLC được xác định là 1 trong 3 đột phá phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Công tác đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao của thành phố đang chuyển hướng theo đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đội ngũ cán bộ thành chuyên gia đầu ngành trong tương lai. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố vinh danh các nhà hoạt động  khoa học-công nghệ tiêu biểu của thành phố giai đoạn 1997-2017. 		               Ảnh: Đ.S
Công tác đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao của thành phố đang chuyển hướng theo đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đội ngũ cán bộ thành chuyên gia đầu ngành trong tương lai. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố vinh danh các nhà hoạt động khoa học-công nghệ tiêu biểu của thành phố giai đoạn 1997-2017. Ảnh: Đ.S

Bổ sung nhân lực cho khu vực công

Giám đốc Trung tâm phát triển NNLCLC thuộc Sở Nội vụ thành phố Dương Thúy Hằng cho biết, năm 1997, số lượng cán bộ có trình độ cao khá khiêm tốn. Tỷ lệ cán bộ khoa học và công nghệ trên số dân của thành phố còn thấp.

Chất lượng đào tạo cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) còn hạn chế, cơ cấu ngành nghề chưa cân đối. Thành phố thiếu nhiều cán bộ khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, đặc biệt là chuyên gia về khoa học kỹ thuật và công nghệ. 

Đến nay, được sự quan tâm đầu tư của thành phố, đội ngũ CBCCVC đã kịp thời bổ sung một thế hệ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, bảo đảm về số lượng và chất lượng cho sự nghiệp phát triển thành phố. Hiện nay, tổng số lao động công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố (bao gồm các đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần và tự chủ toàn bộ kinh phí) là 26.723 người, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1997.

Trong đó, số cán bộ diện thu hút và đào tạo đã bổ sung cho đội ngũ này 1.630 người. Trình độ học vấn của đội ngũ CBCCVC thành phố được cải thiện với 14.027 người có trình độ đại học (52,49%), 1.996 người có trình độ sau đại học (48 tiến sĩ; 1.948 thạc sĩ, bác sĩ nội trú) chiếm 7,5% số lao động và tăng gần gấp 3 lần so với năm 1997.

Đối tượng đào tạo và thu hút được bố trí làm việc ở các cơ quan, đơn vị địa phương đã góp phần nâng cao tỷ lệ CBCCVC có trình độ đại học và sau đại học. Các đề án phát triển nhân lực đã tạo môi trường làm việc năng động do đã bổ sung nguồn cán bộ trẻ có năng lực, có tác phong làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, được đào tạo về phương pháp làm việc, đặc biệt là làm việc theo nhóm và có ý chí tiến thủ, tạo không khí phấn đấu làm việc chung trong cơ quan.

Theo bà Dương Thúy Hằng, năng lực và phong cách làm việc của đối tượng đào tạo và thu hút được đồng nghiệp và lãnh đạo các đơn vị sử dụng lao động được đánh giá rất cao.

“Nếu so sánh năng lực công tác của đối tượng thu hút và đào tạo với các đối tượng khác cùng trình độ tương đương và cùng vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị thì 70,9% lãnh đạo tham gia khảo sát đánh giá đối tượng này là có năng lực, tiếp cận công việc nhanh hơn, tốt hơn.

Cán bộ được đào tạo ở nước ngoài đã thể hiện sự năng động, tự tin trong các quan hệ giao tiếp quốc tế và thể hiện năng lực phản biện trong tham mưu đề xuất”, bà Dương Thúy Hằng nhấn mạnh.

Phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, sau khi trở về làm việc, một số cán bộ đã có những đóng góp tích cực, nổi trội trong công tác, có cống hiến bằng sản phẩm cụ thể, có đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao trong ứng dụng thực tiễn.

Trong đó, nổi bật là các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng, công nghệ thông tin… Đội ngũ cán bộ này đã đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ tại thời điểm hiện nay và trong tương lai, góp phần giúp thành phố đạt được những thành tựu quan trọng, như nhiều năm liền Đà Nẵng có chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, PCI, chỉ số cải cách hành chính, PAPI Index… dẫn đầu cả nước.

Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, từ cuối năm 2016, thành phố đã hoàn thành báo cáo dự án “Đánh giá tác động của Đề án phát triển NNLCLC và đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả Đề án đến năm 2020”. Mục tiêu phát triển NNLCLC là xây dựng đội ngũ CBCCVC có năng lực quản lý và khả năng thực thi công vụ, có trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Hiện nay, thành phố chủ trương gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ chuyên gia giỏi cho thành phố. “Thành phố tiếp tục thu hút chuyên gia đầu ngành, lĩnh vực đến làm việc trung hạn, ngắn hạn hoặc lâu dài tại thành phố, dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu và cần ở lĩnh vực nào mới đào tạo, thu hút ở lĩnh vực đó”, ông Võ Ngọc Đồng nói.

Đề án đến năm 2020 xác định tiếp tục cải thiện và xây dựng môi trường, điều kiện làm việc để phát huy tối đa nguồn lực nói chung và nguồn lực đã được đào tạo và thu hút nói riêng. Bên cạnh đó, phân luồng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ để phát triển thành những chuyên gia, cán bộ đầu ngành trong tương lai.

Thành phố tiếp tục hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức có nhiều thành tích, đóng góp cho thành phố.

Việc đãi ngộ, vinh danh dựa trên công trạng, theo đối tượng cụ thể và tương xứng với những đóng góp. Đây là giải pháp được dự báo giàu tính khả thi để bổ sung đội ngũ cán bộ có chất lượng đáp ứng trên những lĩnh vực thành phố cần để tạo đòn bẩy phát triển Đà Nẵng mạnh hơn nữa trong giai đoạn tới.

Hiện nay, Sở Nội vụ đã kiện toàn Trung tâm Phát triển NNLCLC - đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nội vụ, có quy chế hoạt động độc lập. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là tham mưu và tổ chức thực hiện phát triển NNLCLC theo hướng chuyên nghiệp và khoa học, bám sát thực tiễn, nhu cầu về công tác đào tạo cán bộ của thành phố.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.
.