Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Lá trầu làm thuốc

08:30, 13/03/2016 (GMT+7)

Ăn trầu là một phong tục ở Việt Nam và nhiều nước châu Á. Ngoài tác dụng phòng chữa bệnh, lá trầu còn là biểu tượng của lòng tôn kính, sự may mắn và hòa hợp  trong lễ nghi  văn hóa giao tiếp cổ truyền.

Trầu - Piper betle L., thuộc họ Hồ tiêu – Piperaceae.  Ảnh: P.C.T
Trầu - Piper betle L., thuộc họ Hồ tiêu – Piperaceae. Ảnh: P.C.T

Trầu, còn gọi là trầu không, trầu cay, trầu lương, phù lưu đằng, lâu diệp, cẩu tương, tên khoa học Piper betle L., thuộc họ Hồ tiêu – Piperaceae.  

Các sách thuốc Việt Nam đều gọi là Trầu không, có lẽ để phân biệt với miếng trầu có thêm vôi và cau để ăn. Tuy cách gọi này rất phổ thông, nhưng đôi khi dễ gây nhầm lẫn giữa không với có trong một câu dài, ví như : “Trầu không có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi khuẩn…”. Nên bài này xin thống nhất gọi trầu là… trầu.

Trầu là loài dây leo bám, cành hình trụ nhẵn, có khía dọc, bén rễ ở những mấu. Lá mọc so le, hình tim tròn, gốc đôi khi hơi lệch, đầu nhọn, dài 10-13cm, rộng 4,5-9cm, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, gân nổi rất rõ ở mặt dưới; cuống lá có bẹ kéo dài.

Theo Đông y, trầu có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, vào các kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.

Trầu được dùng chữa hàn thấp, nhức mỏi, đau bụng đầy hơi, vết thương nhiễm trùng có mủ sưng đau, hen suyễn khi thời tiết thay đổi, đờm nhiều khó thở, cảm mạo, bỏng, mụn nhọt, hắc lào, mày đay, ghẻ ngứa, sâu kiến đốt, viêm quanh răng, viêm tai, viêm họng.

Cách dùng:

Liều dùng 8-16g/ 1 ngày, dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài lấy lá tươi giã đắp hoặc nấu lá tươi với nước để rửa. Lưu ý phụ nữ có thai không nên dùng.

- Lá trầu và gừng tươi giã ép lấy nước uống chữa ho, khó thở, đầy bụng.

- Nước ép lá trầu nhỏ vào tai chữa đau tai.

- Súc miệng hằng ngày với nước có dịch ép lá trầu phòng được viêm họng, có tác dụng hỗ trợ các thuốc trị bệnh bạch hầu.

- Lá trầu và lá ráy giã nhỏ, xào nóng, đắp chữa sưng tấy.

- Dùng lá trầu tươi đánh gió, xát ở xương sống từ trên xuống dưới chữa cảm mạo.

- Lá trầu 3-5 lá, cau 1 hạt, phơi khô tán bột rắc vết thương cầm máu.

- Lá trầu 1-2 lá (2-4g) nhai nuốt nước chữa đau bụng, lạnh dạ, tiêu chảy, nôn mửa, không tiêu.

- Lá trầu vò xát chữa hắc lào, mày đay, ghẻ ngứa, sâu kiến đốt; hoặc giã nát lá trầu già hòa với rượu, dùng lông gà chấm phết vào vết bỏng sẽ lành.

- Ở Ấn Độ, lá và tinh dầu trầu được dùng điều trị các bệnh xuất tiết, bệnh phổi và làm thuốc bôi ngoài, thuốc súc miệng, thuốc xông hít trong bệnh bạch hầu.

- Lá trầu có trong thành phần chế phẩm thuốc cổ truyền Ấn Độ phối hợp một số dược liệu khác trị hen phế quản.

- Thuốc hoàn bào chế từ rễ trầu, thủy xương bồ và sen được dùng trong 10 ngày liền từ ngày đầu hành kinh để chữa phụ nữ đau bụng kinh.

- Ở Indonesia, lá trầu nghiền bột có trong thành phần một số thuốc đặt âm đạo cho phụ nữ sau sinh 4-11 ngày.

Bài thuốc:

- Rửa vết thương:  Lá trầu tươi 40g, rửa sạch, cắt nhỏ, đun với 2 lít nước sôi 15-20 phút, để nguội, gạn nước trong, cho thêm 8g phèn phi vào  hòa tan, dùng rửa vết thương.

- Chữa bỏng: Lá trầu phơi khô, tán bột, chiết suất bằng phương pháp ngấm kiệt, cô thành cao đặc, rồi pha chế với vaselin thành thuốc mỡ 1% bôi hằng ngày.

- Chữa mụn nhọt: Lá trầu, lá thồm lồm, hoa dâm bụt, lượng bằng nhau, giã đắp.

- Chữa đái nhắt: Rễ trầu (hoặc thân, lá), rễ cau, mỗi vị 10g, sắc uống ngày 1 thang, dùng vài ngày đến khi khỏi.

- Chữa viêm chân răng có mủ: Lá trầu nấu thành cao, bôi.

- Chữa sai khớp, bong gân: Lá trầu 12g, củ nghệ 20g, lá cúc tần 12g, lá rẻ quạt 12g. Giã nát, trộn với một ít giấm, bọc gạc đắp lên chỗ sưng đau, 2-3 ngày thay băng 1 lần.

- Chữa vết thương, bỏng: Lá trầu tươi, củ hành, củ tỏi mỗi vị 300g; lá ớt 200g, mật heo 1 lít. Hành tỏi bỏ vỏ cùng với lá trầu, lá ớt giã nhỏ, cho thêm nửa lít nước nấu kỹ, lọc 2-3 lần, cô còn khoảng 300ml, cho vào 1 kg đường đun thành cao lỏng rồi cho mật heo vào canh kỹ, đựng vào lọ kín, ngày bôi 1 lần.

- Thuốc đánh gió chữa say nắng: Lá trầu già 5 lá, tóc rối 15g, dầu hỏa (loại trắng trong) 20ml. Giã nát lá trầu, trộn với dầu hỏa, tóc rối, gói vào vải mềm, xát lên người theo chiều dọc cơ thể, chủ yếu phần ngực bụng và thăn lưng.

(Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam)

PHAN LANG

.