Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ

"Nam vô tửu..."?

08:19, 13/03/2016 (GMT+7)

Tuần qua, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện một phóng sự về “văn hóa” ép nhau uống rượu, bia trong tất cả các dịp của người Việt Nam. Video nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội và được cư dân mạng bàn luận sôi nổi.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, rượu, bia là cách để kết nối, bạn bè chỉ thực sự mở lòng bên ly bia, câu chuyện chỉ thực sự rôm rả, thấu hiểu với sự đưa đường của chất men, và rằng, nếu đàn ông không ngồi bên bàn nhậu để trao đổi công việc, tìm cơ hội thăng tiến thì chỉ xứng đáng ở nhà rửa chén…

Bản thân tôi, nhiều lần khuyên ai đó bớt uống rượu, tôi hay được nghe câu nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” – Đàn ông không rượu, không bia cũng như lá cờ thiếu gió, rũ xuống buồn bã và... vô tích sự.

Mỗi quốc gia có cách uống rượu riêng, văn hóa uống khác nhau. Nhưng có lẽ, không đâu lại sử dụng chất cồn làm thước đo sự nhiệt tình, tôn trọng hay bản lĩnh đàn ông như ở Việt Nam; không đâu đúc kết thành khẩu hiệu “rượu bất khả ép, ép bất khả từ, từ từ sẽ hết” như ở Việt Nam.

Ngay ở Đà Nẵng chứ không cần đi đâu xa, chỉ cần ghé chân vào các quán Nhật Bản hay các bar trên đường Bạch Đằng – nơi thường tập trung du khách nước ngoài, có thể hiểu sự khác nhau lớn trong văn hóa rượu, bia của người Việt và các quốc gia khác.

Nhà hàng Nhật luôn luôn giản dị, khiêm tốn với cánh cửa đóng khép kín với bên ngoài nhưng bên trong là thế giới của hương vị, vừa tinh khiết vừa cầu kỳ, chuẩn mực. Trong bữa ăn, đôi khi, người Nhật thưởng thức một ít rượu ấm để cảm nhận hương vị chứ không phải để chúc tụng hay ép buộc nhau.

Không trầm lặng như người Nhật, các quán bar tập trung nhiều du khách Tây lại ồn ào và rộn rã với tiếng nhạc. Mỗi người cầm một chai bia đã mở nắp, vừa trò chuyện họ vừa nhấp từng ngụm nhỏ. Họ thích uống bia trực tiếp trong chai hơn rót ra ly bởi đây là cách để chia đến nhỏ nhất từng ngụm bia, giảm tối thiểu lượng cồn đưa vào người. Cứ như thế, câu chuyện kéo dài đến khuya của họ cũng chỉ gói gọn trong chai bia đã mở nắp đó.

Những con số chứng minh Việt Nam là quốc gia tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới; hệ quả tàn khốc cho sức khỏe, tính mạng và giống nòi do rượu, bia mang lại như tai nạn giao thông, bệnh tật... đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra, nhiều kênh thông tin truyền tải, thế nhưng, dường như không ảnh hưởng mấy đến “văn hóa” rượu, bia của người Việt.

Không chỉ vậy, chén tạc, chén thù lấy đi không nhỏ thời gian, nhất là với người trẻ. Sau bàn nhậu, hiển nhiên, họ không thể tiếp tục đọc sách, làm việc; khi đã chếnh choáng say, hiển nhiên họ không thể thưởng thức nghệ thuật, chăm sóc gia đình hay tập thể dục để nâng cao thể lực cho chính mình.

Có lẽ vì thế mà trong khi quán nhậu mọc lên ở hầu hết các cung đường thì số lượng nhà sách, phòng tập thể thao, phòng trà ca nhạc… ở mỗi thành phố lại có thể đếm trên đầu ngón tay.

Cứ như vậy, trong khi thế giới thưởng thức rượu, bia, sử dụng chất cồn để hương vị bữa ăn thêm trọn vẹn thì Việt Nam lại lấy đó làm thước đo cho bản lĩnh đàn ông. Sự chênh lệch quá lớn về sức khỏe, chất lượng sống, sự phát triển của nước mình và nước bạn không chỉ đến từ hậu quả chiến tranh, từ trình độ phát triển khoa học công nghệ, mà còn đến từ quan điểm “đàn ông không rượu là lá cờ không gặp gió”. Đến bao giờ, đàn ông Việt thay đổi nhận thức về việc uống rượu bia: Không ép uống và biết từ chối.

NHẬT XUÂN

.