Đà Nẵng cuối tuần

ISIS đang "làm sạch văn hóa"

08:18, 06/03/2016 (GMT+7)

Hủy hoại có chủ ý và đánh cắp các di sản văn hóa đã được thực hiện bởi lực lượng ISIS kể từ năm 2014 tại Iraq, Syria, và một số ít di sản văn hóa ở Libya. Các mục tiêu  phá hoại là  nơi thờ phụng và lưu giữ hiện vật lịch sử cổ đại.

Chỉ riêng tại Iraq, ISIS đã phá hủy ít nhất 28 tòa nhà tôn giáo lịch sử và cướp bóc các hiện vật có giá trị, buôn bán bất hợp pháp để tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Cổ vật đã trở thành một nguồn thu nhập đáng kể hơn cho lực lượng ISIS khi cuộc xung đột tiến triển.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova xem đó là “một hình thức làm sạch văn hóa” và phát động chiến dịch để bảo vệ các di sản bị đe dọa bởi những kẻ cực đoan, đặc biệt qua thông các phương tiện truyền thông.

Thánh đường Baalshamin ở Palmyra bị ISIS phá hủy tháng 8-2015 và cướp đi các cổ vật.
Thánh đường Baalshamin ở Palmyra bị ISIS phá hủy tháng 8-2015 và cướp đi các cổ vật.

Giữa năm 2014, bà Nada al-Hassan, Trưởng ban quản lý khu vực Arab tại Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO cho biết, ISIS đã thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc cướp bóc và buôn bán đồ cổ ở nước láng giềng Syria. Một số hiện vật tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon sau đó đã được chính quyền địa phương đưa trở lại Syria.

Bà Irina Bokova kêu gọi tất cả các lực lượng hãy kiềm chế mọi hình thức phá hủy di sản văn hóa, đặc biệt là các di chỉ tôn giáo. Hành động cướp bóc có chủ đích chính là tội ác chiến tranh và những kẻ gây ra điều đó phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Sự thèm khát của phương Tây đối với  cổ vật từ Trung Đông luôn luôn là một động lực thu hút lực lượng khủng bố ISIS  tìm đến các địa điểm cổ đại tàn phá, cướp bóc. Theo báo Guardian, đã có một sự gia tăng lớn trong việc cung cấp đồ cổ từ Syria và Iraq.

Người mua đều không được biết về những thiệt hại gây ra bởi các thị trường chợ đen, không quan tâm việc mua đồ cổ của chính họ dẫn đến sự tàn phá, hủy diệt di sản văn hóa. Có khi họ còn bào chữa, biện minh cho hành động mua cổ vật “ngoài luồng” là cách đang “cứu” các vật thể có giá trị văn hóa cổ đại  từ các vùng xung đột.

Một số nhà sưu tập không hiểu rõ về vai trò quan trọng của người mua trong cơ chế tàng trữ bổng lộc phi pháp do cướp bóc và các tác hại do việc  mua cổ vật mà họ tạo ra.

Các nhà sưu tầm nghệ thuật và các đại lý nghệ thuật dường như đang đi chệch ra khỏi nguyên tắc: người mua cần mua các vật thể từ các nguồn có uy tín, điều tra lịch sử kỹ lưỡng và có các giấy phép cần thiết, nhất là đối với các vật thể văn hóa cổ đại phải hiểu rõ lai lịch xuất xứ nếu chúng đến từ các quốc gia đang xung đột chính trị.

 Đền Palmyra’s Arch of Triumph ở Syria cũng bị ISIS phá hủy tháng 10-2015 và dọn sạch các cổ vật.
 Đền Palmyra’s Arch of Triumph ở Syria cũng bị ISIS phá hủy tháng 10-2015 và dọn sạch các cổ vật.

Trong thực tế, có thông tin phong phú sẵn cho người mua tác phẩm nghệ thuật thông qua cơ sở dữ liệu, cảnh báo của chính phủ, chuyên gia tư vấn nghệ thuật, phương tiện truyền thông xã hội, cũng như các nhà đầu tư phải hoàn thành thẩm định trước khi bước vào giao dịch kinh doanh, vì vậy người mua phải chịu trách nhiệm cho việc mua bán của họ.

Trong cuộc đột kích vào một trong những ngôi nhà của lãnh đạo ISIS, các lực lượng vũ trang phát hiện một lượng hàng hóa, cổ vật do cướp bóc mà có. Rõ ràng số vật thể văn hóa cổ này chuẩn bị đưa sang phương Tây. Cục Điều tra Liên bang (FBI) thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã ban hành một cảnh báo rằng hiện nay các cổ vật cướp bóc đang có mặt trên thị trường. Thông báo này được chứng minh bằng các cổ vật văn hóa vốn của Syria được mua và bán tại Hoa Kỳ.

Nghèo khó, thất nghiệp, người dân địa phương không chỉ tham gia cướp cổ vật để nuôi sống gia đình của họ mà còn giúp ISIS di chuyển cổ vật ra khỏi  lãnh thổ của mình. Thổ Nhĩ Kỳ được dùng như “lối ra” cho các cổ vật đánh cắp tiếp cận thị trường quốc tế một cách nhanh chóng.

Các tác phẩm nghệ thuật hay cổ vật có xuất xứ mơ hồ, lén lút, thường được bán trực tuyến thông qua các bức ảnh, thậm chí còn xuất hiện trên trang đấu giá trực tuyến eBay.com (thuộc công ty của Hoa Kỳ, nơi mà mọi người khắp nơi trên thế giới có thể mua hoặc bán hàng hóa và dịch vụ). 

Các điều tra bí mật đã xác nhận rằng hàng hóa bất hợp pháp đã đến với người mua ở châu Âu và Mỹ; các quan chức chính phủ đã có bằng chứng “cổ vật cướp được” xuất hiện trên thị trường New York và London.

Hiện tại, ngoài những tổ chức giám sát thị trường, với nhiều nhà sử học nghệ thuật kiểm tra các tác phẩm nghệ thuật đang tranh chấp, cùng các nhà khảo cổ, các luật sư và các cơ quan chính phủ có trách nhiệm phát hiện, truy tố tội phạm nghệ thuật, thì mạng xã hội và các phương tiện truyền thông có vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin.

Phương tiện truyền thông chính là nơi giáo dục và cảnh báo công chúng tốt nhất đối với cổ vật bị cướp bóc. Đối với nhà sưu tập, giải pháp rất đơn giản: không mua đồ cổ mà không có đủ lai lịch, xuất xứ hợp pháp. Nếu thật sự yêu thích nghệ thuật và đồ cổ, không mua tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp.

Đó là điều khẩn thiết để những nhà sưu tập nghệ thuật nhận ra rằng mua cổ vật bất hợp pháp không phải là chuyện “giải cứu” các các vật thể di sản văn hóa thoát khỏi sự hủy diệt; trái lại, đang khuyến khích chúng bị hủy diệt nhanh chóng hơn.

HOÀNG ĐẶNG

.