Đà Nẵng cuối tuần

Di cảo về một tượng đài

07:45, 20/03/2016 (GMT+7)

Thời gian qua, bộ sách Phan Châu Trinh - Toàn tập và Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới đã phần nào giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể hơn về tư tưởng chính trị cũng như sự nghiệp văn chương, thi phú của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.

Để tập hợp nguồn tài liệu đồ sộ và vô cùng phong phú, bày ra trên trang sách là cả một quá trình tập hợp, chỉnh sửa từng câu, từng chữ của người làm công tác biên tập, hiệu đính tác phẩm.

Bộ sách Phan Châu Trinh - Toàn tập (gồm 3 tập) do NXB Đà Nẵng phát hành nhân 80 năm Ngày mất Phan Châu Trinh. (Ảnh do NXB cung cấp)
Bộ sách Phan Châu Trinh - Toàn tập (gồm 3 tập) do NXB Đà Nẵng phát hành nhân 80 năm Ngày mất Phan Châu Trinh. (Ảnh do NXB cung cấp)

Tiếng thơm lưu giữ

Chừng 30 năm qua, trong những cuốn sách viết về danh nhân, nhân vật lịch sử xứ Quảng do NXB Đà Nẵng ấn hành, đáng chú ý nhất vẫn là những bộ sách đầy đặn, đề cập gần như toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp các nhân vật như Phạm Phú Thứ, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng.

Trong đó, bộ sách 2 tập đầu tiên dày trên một nghìn trang nói về một nhân vật lịch sử được xuất bản giai đoạn 2001-2003 là cuốn Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới của tác giả Lê Thị Kinh (còn gọi là Phan Thị Minh, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh).

Tiếp theo thành công của tập sách này, năm 2005, nhân kỷ niệm 79 năm Ngày mất Phan Châu Trinh, NXB Đà Nẵng tiếp tục hợp tác với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản cuốn Phan Châu Trinh - Toàn tập, gồm 3 tập, dày 2.317 trang.

Bà Nguyễn Kim Nhị, biên tập viên NXB Đà Nẵng (đã về hưu), người có trách nhiệm biên tập 2 tập sách về Phan Châu Trinh giai đoạn đó cho biết tập bản thảo Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới được bà Phan Thị Minh tập hợp, trực tiếp mang tới NXB. “Đó là tập bản thảo viết tay dày hàng nghìn trang, chi chít chữ và tài liệu liên quan đến quá trình hoạt động của Phan Châu Trinh. Trong đó, nguồn thông tin được gia đình cung cấp rất lớn và rất đáng tin cậy”.

Cũng trong quá trình làm sách, người làm công tác biên tập bản thảo như bà Nhị mới biết được một thói quen rất hay của cụ Phan. Đó là, khi cụ viết thư, bản thảo cho ai, cũng đều sao ra một bản để giữ lại. Khi Phan Châu Trinh mất, gia đình được nhận lại phần lớn tài liệu này từ những người bạn, người đồng chí hướng của cụ.

Đây chính là nguồn tư liệu quý và chân thật nhất. Nguồn thứ hai từ sách báo, tài liệu do những người yêu nước, nhà nghiên cứu lịch sử viết về Phan Châu Trinh. Nguồn thứ ba từ Pháp, chủ yếu lấy từ Trung tâm Lưu trữ hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre-mer, thành phố Aix-en-provence, miền Đông Nam nước Pháp), thư khố quân sự và thư khố vùng Paris…

Bên cạnh sự tận tụy của bà Phan Thị Minh là nhà văn Nguyên Ngọc, người đã bỏ công sức đọc, tìm hiểu, tra cứu, hiệu đính nhiều thông tin, chấp bút nhiều đoạn viết về cuộc đời cụ Phan trong cuốn Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới. Tất cả đều đồng lòng với NXB Đà Nẵng để cho ra đời một cuốn sách hấp dẫn, chứa đựng nhiều chi tiết hay, ít người biết về cuộc đời ông.

Nhờ thành công ngoài mong đợi này, sau đó vài năm, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tiếp tục gửi cho ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc NXB tập bản thảo về Phan Châu Trinh do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - trực tiếp là giáo sư Chương Thâu, nhà sử học Dương Trung Quốc và bà Phan Thị Minh sưu tầm, tập hợp với hơn 2.000 trang in khổ lớn.

Cùng với nguồn tư liệu phong phú, đầy đặn này, NXB Đà Nẵng đã tiến hành tra cứu thông tin, biên tập để in thành 3 tập sách lớn. Trong đó, tập I bao gồm thơ, phú, câu đối như Tây Hồ thi tập gồm 74 bài thơ thất ngôn, 20 bài liên hoàn họa vận... Tập Santé thi tập với hơn 220 bài thơ Phan Châu Trinh viết trong thời gian bị giam ở nhà ngục Santé của Pháp từ tháng 9-1914 đến tháng 7-1915.

Đặc biệt, trong tập này, Phan Châu Trinh đã dùng thơ thất ngôn bát cú Đường luật để vịnh những ca dao, tục ngữ, thành ngữ nước ta. Tập II bao gồm tác phẩm chính luận như Đầu Pháp chính phủ thư (thư gửi toàn quyền Đông Dương), Đông Dương chính trị luận, Điều trần gửi Hội nhân quyền Trung kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký, là bài ký kể lại vụ dân biến ở Trung Kỳ năm 1908…

Tập cuối, tập III giới thiệu các bức thư quan trọng của Phan Châu Trinh trong quãng đời hoạt động cách mạng, tác phẩm Thư thất điều gửi đương kim hoàng đế An Nam và một số bài báo, mật báo của chỉ điểm Pháp… Đặc biệt, trong Phan Châu Trinh toàn tập còn có những bài nghiên cứu của tác giả trong và ngoài nước về Phan Châu Trinh, như một minh chứng cho sức lan tỏa, ảnh hưởng của tư tưởng Phan Châu Trinh trong sự nghiệp.

Có thể nói, hai tập sách về Phan Châu Trinh chính là sự mở đầu để NXB Đà Nẵng tiếp tục mạnh dạn đầu tư công sức tiến hành tổ chức biên soạn và xuất bản những bộ sách “toàn tập” tiếp theo về Huỳnh Thúc Kháng (2010, 1.806 trang) và Phạm Phú Thứ (2014, 2.300 trang) sau này.

Một số tác phẩm của cụ Phan in năm 1958, nguồn từ Di cảo của cụ. Ảnh: HOÀNG NHUNG
Một số tác phẩm của cụ Phan in năm 1958, nguồn từ Di cảo của cụ. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Tâm sức người làm sách

Dù bản thảo đến với NXB bằng con đường nào, thì có một cuốn sách bày ra trước mắt bạn đọc là một quá trình làm việc có trách nhiệm và có tâm của người làm công tác biên tập, hiệu đính tác phẩm. Để tránh tối đa những sai sót về nội dung phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa tác giả với biên tập viên, sau đó là biên tập viên với anh em NXB và những người tham gia nhập bài, trình bày sách, sửa bản in…

Đầu những năm 2000, giai đoạn thực hiện cuốn Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới Phan Châu Trinh - Toàn tập, bộ phận vi tính của NXB chỉ có vài ba máy nên việc nhập bài, in bài rất khó khăn. Chính điều này làm cho thời gian hoàn thành bản thảo khá dài chứ không thuận lợi và nhanh chóng như bây giờ.

Bà Nguyễn Kim Nhị kể, quá trình biên tập, sửa bản in tập I cuốn Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới với rất nhiều “chủng loại” tư liệu từ viết tay, sách, báo, tài liệu do Phan Châu Trinh để lại có lẽ là cuốn sách vất vả nhất mà bà từng biên tập.

Về nguyên tắc xuất bản, sau khi bản thảo đã chuyển sang bộ phận dàn trang in, nghĩa là đã hoàn chỉnh, không chỉnh sửa gì thêm về nội dung. Tuy nhiên, khi đọc lại bản in thử, tác giả thấy câu nào chưa ổn lại điều chỉnh. Vì thế, bộ phận vi tính của NXB phải liên tục in, sửa, in rồi sửa bông, thay đổi vị trí trang...

Bà Kim Nhị nhận thấy, do mình thiếu kinh nghiệm trong biên tập và theo dõi in nên để xảy ra một số sai sót trong trình bày, bố cục bộ sách. Cụ thể, ban đầu số thứ tự tư liệu trong toàn tập I đã thống nhất (từ số 1 tới 225) thì với 4 quyển trong tập, thứ tự các trang sách sẽ được bắt đầu từ trang 1 tới trang cuối cùng là 853.

Ở đây sách lại bắt đầu từ trang 1 tới trang cuối mỗi quyển, thành ra tập sách có tới 4 số thứ tự trùng lắp nhau, làm cho số trang không liền mạch khiến độc giả khó theo dõi. Sau này, do có kinh nghiệm làm các bộ sách dạng này, bà Nhị thường chuyển phần tư liệu ảnh, bài viết liên quan xuống phần phụ lục, vừa dễ trình bày, tiện việc in ấn mà cuốn sách lại gọn, đẹp hơn.

Di cảo, bút tích của Phan Châu Trinh được in lại trong nhiều tác phẩm khác nhau. Trong đó phải kể đến tập sách Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử của Huỳnh Thúc Kháng. Có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên viết về cụ Phan. Tác giả viết xong tại quê Tiên Phước, Quảng Nam ngày 20-6-1926. Sau đó ông đã trao thủ bút lại cho bà Châu Liên - mẹ bà Phan Thị Minh. Bản gốc tài liệu hiện đang lưu trữ tại 72 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Tiếp sau là các cuốn Cuộc đời & tác phẩm (Nguyễn Quang Thắng, NXB Văn học), Phan Châu Trinh: Tác gia và tác phẩm (NXB Giáo dục), Tuyển tập Phan Châu Trinh (TS. Nguyễn Văn Dương, NXB Văn hóa-Thông tin).

Nhưng có lẽ đầy đủ và cụ thể nhất, vẫn là 2 tập sách do NXB Đà Nẵng tổ chức xuất bản với nguồn tư liệu quý giá, phong phú và đa dạng, những lá đơn, bức thư rất dài hoặc vài dòng viết tay, báo cáo của mật thám Pháp về động thái của ông trong ngày, trong tuần, những bài diễn thuyết ngắn, hình ảnh liên quan tới cuộc đời hoạt động và trước tác của Phan Châu Trinh khi còn sống…

Tư liệu nào cũng quý và càng quý hơn khi tác giả và nhóm biên tập đã luôn nhẫn nại, một lòng hướng về nhân vật của mình với cái tâm và trách nhiệm của người làm văn hóa để chân dung, vị thế của Phan Châu Trinh sáng hơn trong dòng chảy lịch sử nước nhà.

TIỂU YẾN

.