.

Giữ cổ vật cho đời sau

.

Thật tình cờ, một ngày sau Tết Giáp Ngọ, đến thăm chùa Hải Hội, ngôi chùa lớn, uy nghiêm, tọa lạc ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, chúng tôi “khám phá” một điều thú vị khi biết thầy trụ trì ngôi chùa này sở hữu một bộ sưu tập đồ cổ giá trị, được sưu tầm từ hơn chục năm nay.

Thầy Thích Nhuận Hòa giới thiệu chiếc đèn dầu cổ xuất xứ từ nước Anh. Ảnh: M.H
Thầy Thích Nhuận Hòa giới thiệu chiếc đèn dầu cổ xuất xứ từ nước Anh. Ảnh: M.H

Gác lại những câu chuyện về đạo, về đời,  thầy Thích Nhuận Hòa, trụ trì chùa Hải Hội, hào hứng “khoe” với chúng tôi từng món đồ cổ trong bộ sưu tập của mình. Và qua những lời tâm sự của thầy, tưởng như mỗi cổ vật đều ẩn sau đó một câu chuyện lịch sử dài kỳ, đầy bí ẩn.

Thầy Hòa kể thầy bắt đầu sưu tầm các hiện vật cổ từ năm 2002, khi trong những chuyến hành hương làm việc đạo, thầy nhìn thấy những vật cổ hàng chục, thậm chí cả trăm năm tuổi bị bỏ lăn lóc trong góc nhà, hoặc thậm chí trở thành những vật vô giá trị trong tay những người bán ve chai. Giữ nụ cười hiền từ trên gương mặt gầy gầy, thầy Hòa chia sẻ: “Nhìn thấy vậy, tôi mới chợt nghĩ đến chuyện sưu tầm lại những vật cũ, cổ xưa để gìn giữ, bảo vệ, nếu không thì rơi vào tay những người không trân trọng cũng sẽ trở thành những vật vô tri không giá trị. Tôi giữ lại đây để con cháu, phật tử đến chơi nhìn thấy những tinh hoa văn hóa của lớp người đi trước và biết được những dấu tích lịch sử ẩn sau từng cổ vật”.

Ấn tượng nhất với chúng tôi là hàng chục chiếc đồng hồ quả lắc hiệu Odo của Pháp (vốn rất nổi tiếng từ những năm 1950 trong thế kỷ 20) hay những đồng hồ xuất xứ từ Anh, Liên Xô (cũ), Thụy Sĩ… được treo khắp khu lưu giữ cổ vật nằm nép một góc trong phòng khách của thầy. “Cảm nhận thời gian là vô thường, qua đi là không trở lại nên thầy muốn lưu giữ các loại đồng hồ để nhìn đó mà lo việc đạo, việc đời vẹn toàn, không phí phạm thời gian quý báu. Tôi thích những đồng hồ Odo của Pháp vì nó đẹp, lại là loại lên giây cót, tiếng chuông của đồng hồ nghe rất thanh thoát cùng những quả lắc bằng đồng, dù hàng bao năm tuổi rồi mà vẫn giữ được sắc vàng óng”, thầy Thích Nhuận Hòa tâm sự.

Trong cái “kho” chỉ rộng chưa đến chục mét vuông, cả trăm loại vật cổ được đặt chen chúc cạnh nhau. Nào là chiếc đồng hồ OMEGA (Thụy Sĩ) được sản xuất từ năm 1882 với hình dạng một chú voi làm bằng đồng vươn vòi ôm lấy quả cầu trong suốt - nơi lồng trong đó là chiếc đồng hồ với hệ thống máy móc, bánh xe răng cưa được chế tác tinh xảo. Ở góc khác là chiếc đèn dầu của Anh quốc mà theo lời thầy Hòa thì giá trị ở chỗ, bóng của chiếc đèn vẫn được lưu giữ và trên đó còn in nhãn hiệu nơi sản xuất. Ngạc nhiên không kém trong bộ sưu tập này là chiếc đèn dầu có in hiệu Honda - một thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản được biết đến trong lĩnh vực sản xuất ô-tô, xe máy, thiết bị máy móc chứ chưa từng liên quan đến việc sản xuất… đèn. “Có lẽ, nhân một sự kiện trọng đại nào đó, hãng Honda đã đặt chế tác những chiếc đèn này để làm quà tặng và khắc luôn trên đèn tên hiệu của hãng”, thầy Hòa phỏng đoán.

Không bỏ sót những vật phẩm tâm đắc của mình, thầy Hòa giới thiệu ngay về chiếc đèn măng-xông của ngư dân vùng biển Thọ Quang. “Chiếc đèn này được dùng từ thời Pháp, rất lâu năm rồi, tôi tìm mãi mới mua được từ một người bán ve chai. Tôi muốn lưu giữ lại một nét văn hóa của người dân vùng biển Thọ Quang, bởi sau khi cuộc sống đổi thay cùng những tiện nghi hiện đại, những chiếc đèn cổ dành cho người đi biển này bị vứt bỏ, không còn mấy ai giữ lại. Mỗi khi ai đến, tôi giới thiệu cho họ biết và hiểu thêm về cuộc sống của người dân vùng biển Thọ Quang này”.

Thấy chúng tôi “ngắm nghía” không rời mắt những bức tượng Phật cổ, thầy Hòa trân trọng nâng bức tượng Phật bằng hổ phách nguyên khối cao tầm 30 cm với sắc đỏ trong suốt, rồi nói: “Một Phật tử biết thầy sưu tầm đồ vật cổ xưa đã mang đến biếu thầy. Bên trong bức tượng hổ phách này vẫn còn chiếc lá thẫm màu, không dễ gì tìm được hiện vật như thế”. Cùng với bức tượng này là những tượng Phật đủ kích thước, màu sắc được chế tác từ cách đây hàng chục năm, có khi còn “già” hơn cả vị sư thầy này.

Tỉ mẩn giới thiệu chiếc chén gốm có in hình rồng phượng và chữ “nội phủ”, thầy Hòa cho biết nhiều đồ gốm được thầy sưu tầm từ Huế, có lẽ chúng xuất phát từ trong cung đình xưa hoặc được dùng ở những gia đình quan lại của triều đình phong kiến. Đã qua hàng trăm năm tuổi nhưng những đồ gốm thầy Hòa lưu giữ đều vẫn nguyên vẹn màu sắc và những hoa văn tinh xảo. Nâng niu từng vật phẩm cổ, thầy Hòa khẽ búng nhẹ ngón tay vào một chiếc chén nhỏ. Âm thanh vang lên trong, thanh thoát chẳng khác nào thanh âm của một chiếc chuông đồng nhỏ.

Thầy Hòa tự nhận mình là người không chuyên trong chuyện sưu tầm vật cổ nhưng bất cứ vật gì lâu năm với thầy là đã quý, hiếm lắm rồi. Thầy nâng niu, trân quý từng vật phẩm cổ đang lưu giữ và mỗi khi có thêm thứ gì đó, lòng lại hân hoan, vui mừng. Thầy tâm sự: “Lớp trẻ 8x, 9x giờ có mấy ai biết được chiếc bàn là dùng than như khi xưa, hay như những cây đèn dầu hàng chục năm tuổi đã từng được thắp sáng le lói trong đêm tối… Những gì thầy lưu lại cũng là sự kết tinh những sáng tạo của các thế hệ đi trước, để giờ đây, khi lớp trẻ nhìn lại, mới hiểu được trong những thời kỳ khó khăn như vậy mà lớp người đi trước có thể sáng chế ra những vật phẩm để đời như thế”.

MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.