.

Tình yêu là điểm tựa

.

Những tưởng cuộc đời không còn ý nghĩa với một chàng trai suốt ngày làm bạn với xe lăn, nhưng bằng ý chí vượt khó và nghị lực phi thường, anh Nguyễn Tấn Hiền (sinh năm 1978, ở tổ 239 phường Chính Gián, quận Thanh Khê) đã làm nhiều người cảm phục bằng tài năng hội họa của mình. Và hơn hết, anh có một tình yêu lớn làm điểm tựa để vượt qua tất cả…

Anh Hiền vừa vẽ xong bộ tranh ngựa để tham gia triển lãm tranh Xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: L.V.T
Anh Hiền vừa vẽ xong bộ tranh ngựa để tham gia triển lãm tranh Xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: L.V.T

Tốt nghiệp THPT, Hiền thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đăklăk với ước mơ trở thành nhà giáo, ngày ngày đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho học trò. Nhưng một tai nạn thương tâm cuối năm 2002 làm anh bị gãy cột sống và liệt cả tứ chi. Gia đình đưa anh đi chữa chạy nhiều nơi, nhưng hai chân đã liệt hoàn toàn, còn hai tay chỉ cử động được một cách khó khăn, yếu ớt. Vậy là giấc mơ của chàng sinh viên học giỏi đã tắt lụi.

Không chịu bó tay trước số phận cay nghiệt, Hiền đã mày mò học vẽ tranh, hầu mong tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Ngày ngày, chàng trai khuyết tật miệt mài với màu, cọ, giấy, vải. Cả hai bàn tay chỉ còn 1 ngón cử động được, 9 ngón khác cứ cứng đờ, anh phải cắn răng chịu đau để điều khiển cây cọ. Những ngày đầu tập vẽ, tay đau buốt, cả người ê ẩm, nhưng chàng trai bất hạnh vẫn không hề nản. Phải mất một thời gian dài bàn tay cầm cọ ít đau hơn, nét vẽ cũng khá hơn. Anh làm đơn xin thi vào một trường văn hóa nghệ thuật nhưng không được chấp nhận. Nỗi buồn làm bệnh tật nặng thêm. Gia đình đưa anh đến điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Vào viện, Tấn Hiền vẫn say mê vẽ tranh. Hết giờ tập phục hồi chức năng là anh lại miệt mài bên giá vẽ. Hơn 4 năm điều trị ở bệnh viện, ý tưởng sáng tạo của Hiền phát triển không ngừng. Và tại đây, cô sinh viên thực tập xinh đẹp Nguyễn Thị Lý, nhỏ hơn Hiền 7 tuổi, đã đem lòng cảm mến chàng trai tật nguyền mà giàu nghị lực. Trong các bệnh nhân mà Lý hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng, Tấn Hiền là người tập chăm chỉ và kiên trì nhất. Lý đã đẩy xe lăn đưa Hiền đi dạo dưới các rặng dừa, bờ thông ven biển. Từ thương đến yêu lúc nào chẳng hay.

Nhưng cha mẹ Lý ra sức cản ngăn vì  sợ con mình “đeo khổ vào thân” khi lấy người chồng tật nguyền. Còn cha mẹ Hiền thì sợ con mình “làm khổ con gái người ta” nên cũng không đồng tình. Giải pháp cuối cùng là anh chị đăng ký kết hôn, rồi gửi thư về nhận lỗi với cha mẹ kèm theo bản pho-to tờ giấy kết hôn. Đám cưới của Hiền và Lý được tổ chức tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng vào đầu năm 2010, có đầy đủ đại diện hai bên gia đình, bạn bè và cả những bệnh nhân ở viện với Hiền suốt những năm qua…

Sau ngày cưới, vợ chồng Hiền-Lý thuê phòng trọ để ở. Hằng ngày, trước khi đi làm, Lý để sẵn giá vẽ, bột màu bên chiếc xe lăn. Hiền ở nhà miệt mài vẽ tranh. Cùng với tình yêu, tự đáy lòng, Hiền coi Lý như ân nhân của đời mình. Chàng trai tật nguyền thầm nghĩ đây là hạnh phúc hy hữu “có 1 không 2” trong thế gian này. Nên khi có con trai đầu lòng, anh đã đặt tên là Nguyễn Tấn Hy Hữu. Cũng chính từ tình yêu của Lý đã động viên Hiền sáng tác nên nhiều bức tranh đẹp. Tranh của anh chuyên về vẽ phong cảnh, trên các chất liệu acrilic, sơn dầu, màu nước.

Một người bạn cùng cảnh ngộ của Tấn Hiền hiện ở 103 Nguyễn Thái Học, TP. Hội An (Quảng Nam) đã nhận bán hộ tranh cho anh. Hơn một năm nay, tranh của anh theo chân khách tham quan phố cổ đi đến nhiều nơi và có mặt tại nhiều cuộc triển lãm tranh trong nước. Đặc biệt, Hiền là họa sĩ duy nhất của Việt Nam được chọn tham dự triển lãm tranh quốc tế tại Đài Loan vào tháng 10-2013.

Đến nay, cặp đôi Hiền - Lý đã có một nơi chốn riêng tư đi về. Trong căn nhà ấy, dẫu tài sản còn đơn sơ nhưng luôn luôn đầy ắp niềm vui hạnh phúc. Trải bao năm tháng, Lý thực sự là điểm tựa của đời anh, đồng thời, cô vợ hiền thảo này cũng hết mực tự hào về người chồng giàu nghị lực và tài năng. Khác với lo lắng ban đầu của cha mẹ, hai người đã không hề là gánh nặng của hai bên gia đình.

Một mùa xuân mới đang về. Hiền đang hối hả hoàn thành các bức vẽ để tham gia triển lãm tranh Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014. Người họa sĩ khuyết tật này cũng đang xúc tiến mở lớp vẽ tranh, mà theo anh, trước hết là để giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ.              

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.