.

Cà-phê Sakura

.

Nằm trong khuôn viên Trung tâm Nhật ngữ Sakura Đà Nẵng (125 Hoàng Hoa Thám), quán cà-phê Sakura là nơi dành cho người yêu văn hóa Nhật, trở thành chốn đi về của người Nhật hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng…

Lối vào cà -phê Sakura .Ảnh P.T
Lối vào cà -phê Sakura . Ảnh P.T

Cà-phê Sakura thu hút thực khách bởi không gian yên tĩnh và khá đẹp, khu vườn được thiết kế theo lối truyền thống ở Nhật. Mọi người đến đây gặp gỡ bạn bè, uống trà Nhật và dùng bữa trưa. Hầu như các loại nước uống cũng như những món ăn nhẹ của người Nhật đều có trong menu của quán như cà-phê đá Nhật Bản, đá bào (gồm trà Nhật, đậu đỏ, kem sữa), bánh Đôremon, trà Nhật Bản kèm bánh, sushi cuộn Nhật Bản, bánh Chiffon, cơm nắm Nhật Bản, sushi cuộn, Oya Kodonburi, mì Quảng Nhật Bản, mì lạnh Soba, Korokke, Misosiru, mì xào Nhật Bản, mì Ý kiểu Nhật, Katsudon, Tonkatsu, mì Udon, mì Soba nóng, rau củ chiên xù kiểu Nhật, bánh xèo Nhật Bản, mì Ramen, Butanikuno Shouga Yaki, cơm cà ri Tonkatsu, cá thu Nhật Bản nướng, cá nướng Buwrri, đậu hủ Nhật…

Ngoài ra, đây còn là địa chỉ giao lưu, giới thiệu văn hóa của hai nước Việt-Nhật. Nếu là khách Nhật du lịch ghé quán sẽ được tư vấn những thông tin về đất nước và văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Có lẽ vì thế mà không khí trò chuyện trong quán luôn nhẹ nhàng, vui vẻ. Phía trong quán được trang trí thêm vách gỗ nhẹ nhàng, mang đậm dấu ấn của xứ sở hoa anh đào đọng lại trên từng chi tiết. Phía trong quán là sạp gỗ lớn nằm cạnh giá sách chứa nhiều truyện tranh bằng tiếng Nhật, có chức năng như một chiếc bàn lớn để cho các bạn đọc sách, khi hội họp đông người và trở thành sân khấu mi-ni để trình tấu âm nhạc hay tổ chức các buổi trà đạo khi lễ hội được tổ chức... Để thêm phần thu hút, chủ nhân của quán, bà Takeuchi Midori cho điểm xuyến vài ba chiếc đèn lồng bằng giấy trắng đong đưa theo điệu nhạc của xứ sở hoa anh đào.

Mỗi tháng ở Cà-phê Sakura đều tổ chức một vài chương trình hoạt động văn hóa Việt - Nhật như dạy đàn bầu Việt Nam, dạy làm búp bê kiểu Nhật bằng giấy, nấu các món ăn Việt-Nhật, viết  thư bằng tranh, dạy cách pha chế và thưởng thức trà đạo… Đặc biệt, các lễ hội Nhật Bản như Tanabata (Lễ hội sao) vào ngày 7-7 âm lịch, Hina matsuri (Lễ hội bé gái) vào ngày 3-3, Koinobori (Lễ hội con trai) vào tháng 5, Lễ hội mùa hè… đã tô đậm thêm sắc màu văn hóa Nhật trên đất Đà Nẵng.

PHI TUÂN

;
.
.
.
.
.