.

Nguy cơ giảm phát

.
Sự bế tắc ngân sách ở Washington và lo ngại phá vỡ khu vực sử dụng đồng euro làm cho thị trường chứng khoán ở Frankfurt (Đức), Paris (Pháp), New York giảm sút từ 2 tới 3% trong ngày đầu tuần.

Mô tả ảnh.
Chủ tịch Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA) ở Anh là Adair Turner (ảnh) chỉ trích những quy định lỏng lẻo cho phép những người cho vay mở rộng tín dụng trong những năm bùng nổ trước. Ông nói rằng có cả một danh mục dài những lỗi lớn trong quá trình xây dựng các quy định bảo đảm an toàn cho các ngân hàng nên đã mở rộng tín dụng quá mức.
 
Hậu quả giờ đây là hệ thống tài chính toàn cầu rủi ro đang ở mức cao. Phát biểu tại Frankfurt, ông nhận định chúng ta đang ở sâu trong cuộc khủng hoảng nhưng rất khó thoát ra như suy nghĩ trước đây. Nguyên nhân là do trước đây đã để mất kiểm soát cả nợ tư nhân lẫn nợ công nên bây giờ không biết lần ra đầu mối từ đâu để hạ mức nợ, có được những chính sách phù hợp để nâng cao mức độ tăng trưởng, bơm tiền vào nền kinh tế...

Thị trường tài chính ở Tây Ban Nha vẫn không có dấu hiệu tích cực sau chiến thắng của đảng trung hữu trong cuộc tổng tuyển cử ở Tây Ban Nha. Chủ tịch đảng thắng cử, Rajoy bảo rằng không thể hứa hẹn gì bởi không có phép mầu nào vào lúc này. Một chuyên gia cao cấp của cơ quan xếp hạng tín dụng Moody là Kockerbeck nhận định Chính phủ Pháp sẽ phải đối diện với thực tế tăng trưởng kinh tế chậm chạp và những tác động tiêu cực từ tín dụng. Các nước khác như Ý, Bỉ cũng đứng trước những khó khăn tương tự.

Ông Turner cho rằng nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ tiến vào vòng xoáy giảm phát (*) khi khu vực tư nhân và các chính phủ tìm cách trả hết các khoản nợ trong cùng thời điểm. Nỗ lực tìm cách trả những khoản vay quá thoải mái trước đây từ các ngân hàng có thể đẩy các nhà hoạch định chính sách phải đứng trước khó khăn không hề có từ trước tới nay. Nếu như thất bại bây giờ là kết quả của sự tự tin quá mức về viễn cảnh thị trường tài chính tự do và những khiếm khuyết trong cấu trúc liên minh tiền tệ thì giờ đây là lúc các nhà hoạch định chính sách chưa tìm thấy được cách thức để giúp mọi người có lại sự tự tin cần thiết, thậm chí là tối thiểu, để làm “ấm” thị trường (kích thích tiêu dùng), làm “ấm” nền kinh tế toàn cầu.

(*) Giảm phát tức là trái nghĩa với lạm phát, khi mà hàng loạt các mặt hàng hạ giá. Khi các loại hàng hóa đồng loạt giảm giá thì người tiêu dùng cũng sẽ chi tiêu ít đi, các nhà máy buộc phải cắt giảm sản xuất, cắt giảm nhân công. Điều đó làm cho tỷ lệ thất nghiệp vốn đang ở mức cao sẽ cao hơn nữa. Nói một cách khác, giảm phát là cả nguyên nhân và hậu quả của nền kinh tế (toàn cầu) đang suy yếu.
 
Anh Thư
;
.
.
.
.
.