.

Người đàn bà thao thức trong đời văn Vũ Bằng

.

Nhắc đến tên nhà văn Vũ Bằng, người yêu văn học đều biết đến những tác phẩm nổi tiếng như Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam… cùng nhiều cuốn khác. Ông còn là một nhà báo kỳ cựu với hồi ký Bốn mươi năm nói láo với các tư liệu sống động một thời. Nhưng với vai trò là một nhà tình báo thì có lẽ chưa nhiều người biết.

 

Mô tả ảnh.
Chân dung nhà văn Vũ Bằng. (Ảnh: Tư liệu)

Vũ Bằng đã được Bộ Quốc phòng chính thức xác nhận bằng văn bản 67/XN là “cơ sở khai thác phục vụ tình báo từ năm 1952 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng” do Đại tá Hà Khắc Thái, Phó Cục trưởng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng ký. Ông đã được nhận Huân chương Kháng chiến hạng ba năm 2000, Huân chương Kháng chiến hạng nhì năm 2011 và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Thấp thoáng sau những thành công đó là bóng dáng một người đàn bà với một câu chuyện tình bi tráng còn ít người biết đến.

 

Chỉ thương nhớ “một” trong Thương nhớ mười hai

Trong một dịp tình cờ, tại buổi gặp gỡ thân mật kỷ niệm 47 năm ngày mất của nhà văn Lê Văn Trương, chúng tôi đã gặp ông Vũ Hoàng Tuấn, con trai của nhà văn Vũ Bằng. Như ông Tuấn nói vui, thì “ngày xưa các cụ là bạn thân của nhau, bây giờ những người con của họ lại ngồi với nhau…”. Ông Tuấn năm nay đã tám mươi tuổi, từng là giáo sư giảng dạy tại Trường Sân khấu Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Từ lâu nay, họ giữ một nét văn hóa rất đáng kính trọng là vào ngày giỗ của các cụ Nguyễn Bính, Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng… cũng là ngày gặp gỡ, “ôn cố tri tân”. Nhiều người trong thế hệ họ cũng bước vào tuổi bách niên giai lão cả. “Để được ngồi với nhau đôi khi phải gắng gượng vượt qua thử thách bệnh tật. Ông Tuấn cho biết. - Tôi bây giờ chân run, thấp khớp không di chuyển xa được…”. Và để thực hiện bài viết này, ông đã cho chúng tôi một cái hẹn.

Ông sống một mình trong căn nhà vắng ở con hẻm sâu quận Phú Nhuận. “Tôi chỉ ở vậy thờ cha mẹ tôi. Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là được tái bản lại toàn bộ những tác phẩm cha tôi đã viết. Đặc biệt là những cuốn sách xây dựng từ hình ảnh bà mẹ tôi hay có cha tôi viết tặng mẹ trong đó…”.

Như ông Tuấn kể, những tác phẩm quan trọng của nhà văn Vũ Bằng đều ký tặng Nguyễn Thị Quỳ, tức bà mẹ ông. Ví như mở đầu cuốn sách nổi tiếng Thương nhớ mười hai, ông viết: “Bắt đầu viết cuốn này thì nhớ. Viết đến câu cuối bài tháng chín thì thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn: Nguyễn Thị Quỳ…”.

Cuộc tình của Vũ Bằng với bà Quỳ khá lạ lùng không giống mọi người. Ông Tuấn kể: “Mọi người biết cha tôi đều cho đây là duyên số! Bởi vì trước khi đến với cha tôi, mẹ tôi đã có một đời chồng với 5 người con. Chồng trước của mẹ tôi là một nhà buôn nổi tiếng ở Hà Nội. Đặc biệt là ông rất mê hát cô đầu. Sau này vì mê một cô đầu mà về hắt hủi mẹ tôi. Kết quả của cuộc tình đó là hai người chia tay không ở với nhau nữa. Một thời gian sau thì mẹ tôi mới gặp cha tôi”… Và ông Tuấn là người con trai độc nhất của cuộc tình đó. Ông cũng là nỗi nhớ thương “ngày Nam đêm Bắc” của nhà văn Vũ Bằng khi để vợ con ở Hà Nội nhận mệnh lệnh vào Sài Gòn hoạt động điệp báo trong lòng địch.

Và cuộc chia tay ngỡ chỉ hai năm nhưng sau đó đã kéo dài đằng đẵng. Không còn cách nào khác, nhà văn Vũ Bằng đã tiếp tục lập gia đình và có 5 người con với bà vợ sau. Nhưng như lời tâm sự của ông, khi hai cha con được gặp nhau sau ngày giải phóng, mối tình sâu nặng của ông với bà Nguyễn Thị Quỳ và đứa con trai chưa bao giờ nguôi day dứt trong tâm khảm ông. 

Mô tả ảnh.
Ông Vũ Hoàng Tuấn (người thứ ba, từ phải sang) cùng bạn bè bên mộ Lê Văn Trương nhân ngày giỗ nhà văn. (Ảnh: Đông Dương)

 

Bí ẩn một tình yêu

Điều gì hấp dẫn ở một người phụ nữ đã có 5 người con khiến một nhà văn tên tuổi, phong lưu như Vũ Bằng lại mê như điếu đổ như thế? Đây quả là một điều thú vị. Khi chúng tôi hỏi câu này, ông Tuấn kể: “Phải nói cha tôi yêu mẹ tôi với một tình yêu đặc biệt. Một tình yêu vượt lên mọi định kiến, “trai năm thê bảy thiếp / gái chính chuyên một chồng” thời ấy. Không những xinh đẹp, mẹ tôi là một người phụ nữ tinh tế, thờ chồng, yêu chồng và có một tình yêu văn chương rất mực…”. Khi đã vào Nam hoạt động bí mật, tình yêu của nhà văn càng trăn trở, thao thức, dậy sóng. Cứ như những kỷ niệm của ông thức dậy vậy!

Bí ẩn đó lần mở khi trên báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam số 2055 đã có bài viết “Những điều chưa nói về hai chiến sĩ tình báo nhà văn Vũ Bằng và bà Nguyễn Thị Quỳ”. Người viết bài này, qua nhiều tư liệu và các nhân chứng còn sống, đã xác định bà Quỳ cũng là một mắc xích trong đường dây hoạt động cách mạng. Vì giữ bí mật cho chồng và tổ chức, bà đã im lặng trong vai trò một người bình thường với nhiều thiệt thòi trong mắt kẻ khác như “có chồng di cư vào Nam”. Cùng với nhà văn Vũ Bằng, bà đã có những đóng góp thầm lặng vào sự nghiệp chung của đất nước.

Ông Vũ Hoàng Tuấn cho biết đã hoàn tất hồ sơ của mẹ mình để trình lên cấp Nhà nước xét duyệt, ghi nhận những đóng góp của bà. Ông nói “Tôi mong làm được điều có ý nghĩa này để cha mẹ tôi có thể ngậm cười nơi chín suối”. Như vậy ngoài tình yêu riêng nhỏ bé gia đình, họ còn có một tình yêu chung lớn lao hơn là đất nước. Sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của mình khi Tổ quốc cần đến. Biết như vậy mới thấm thía tại sao hình bóng của một người phụ nữ đi theo ông suốt cuộc đời với những năm tháng thử thách gian truân, sóng gió…    

ĐÔNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.