Trong cuốn album rộng bằng khổ giấy A4 có một tờ lịch nhỏ in chữ màu đỏ, màu của ngày chủ nhật, 1 tháng 4 năm 2001, nhằm ngày 8-3 Tân Tỵ, có dòng chữ “Trịnh Công Sơn, Huyền thoại - nhân văn” và chữ ký của người sưu tập.
Tác giả bộ sưu tập và chân dung của người “ẩn mình trong các tình khúc”. |
Tác giả album là Kỹ sư Trần Mạnh, nguyên Phó Trưởng phòng Khuyến nông-lâm, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng. Bốn mươi năm trước, khi còn là cậu học sinh trung học, lang thang trên đường phố Đà Nẵng, anh buồn muốn khóc khi thoáng nghe tiếng hát Khánh Ly vọng ra từ đâu đó những Đại bác ru đêm, những Ngụ ngôn mùa đông... Rồi choáng ngợp giữa giai điệu và ca từ “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng. Để nắng đi vào trong mắt em” trong Nắng thủy tinh. Và, thấm đẫm triết lý nhân sinh “Ôi phù du. Từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ. Đời người như gió qua” với Phôi pha…
Ba mươi năm trước, lúc anh đang công tác trên huyện Hiên thì nghe tin “tên hát rong” (chữ của Trịnh Công Sơn tự nhận) về diễn ở Nhà hát Trưng Vương. Đường sá, phương tiện giao thông lúc đó còn khó khăn, nhưng anh đã tức tốc chạy về xem một đêm cho thỏa lòng mong đợi.
Mười năm trước, nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) mất, anh thảng thốt như là người thân yêu của mình qua đời. Làm gì đây để tưởng nhớ đến một người mình yêu quý và kính trọng? Việc đầu tiên anh làm là gỡ một tờ lịch. Sau đó, dạo quanh các sạp báo tìm thông tin về người đã “một cõi đi về”.
Hơn hai tuần lơ ngơ như kẻ thất thần, anh nghiệm ra một điều (anh cho là “một phát hiện mới” của riêng mình) sau bao năm yêu nhạc Trịnh, anh nhận chân ở TCS một triết lý nhân văn xuyên suốt tác phẩm của nhạc sĩ. Ngày 17-4-2001, anh kết thúc bài viết “TCS, Huyền thoại - nhân văn” và trình bày công phu qua 14 trang giấy A4 màu vàng, ghi lại cảm xúc riêng anh cùng với những người yêu TCS khác.
Anh viết: “Ông là người bao dung, ẩn mình trong các tình khúc, ông gửi hồn vào trăm ngàn thứ vật có mặt trên trái đất này, làm cho ta khi hát những bài hát của ông phải sống độ lượng hơn, phải yêu người, yêu đời hơn, để con người không phải khô môi vì những đắng chát của cuộc đời”.
Nghe nhạc TCS, theo anh, sẽ thấy những đắng chát của cuộc đời vời tan theo cơn mộng du của 3 triết lý.
Thứ nhất, Thân phận và tình yêu: “Sống giữa đời này chỉ có Thân phận và Tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng Tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc Thân phận trên cây Thập giá đời” (trong bài viết Thân phận và Tình yêu, TCS, 1993).
Một trong những trang sưu tập tâm đắc của kỹ sư Trần Mạnh. |
Thứ hai, Dân tộc và quê hương: “Đêm Sông Hương nhung nhớ. Ngày Cửu Long mơ. Mơ thấy gì. Mơ một ngày Hồng Hà góp Hội Trùng Dương” (bài hát Lại gần với nhau, 1967).
Thứ ba, Hữu hạn và vô cùng: “Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người đã chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người”. (bài viết Một cõi đi về của TCS, Sóng Nhạc, 1990).
Mười năm qua, anh đã sưu tập hơn 300 bài báo, tranh ảnh, hình vẽ… về TCS. Một số bài anh lấy từ trên mạng xuống. Một số bài khác, do bản gốc lớn quá, anh phải cất công nắn nót chép tay lại cho vừa khổ giấy A4. Lật từng trang, sẽ thấy một TCS “ẩn mình trong các tình khúc” và thả cho triết lý nhân sinh của mình trôi đến vô cùng theo dòng ca từ đẹp đẽ, bởi TCS, trong cái nhìn của nhạc sĩ Thanh Tùng, là “người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ”. Bài báo xa nhất là “Những ngày cuối cùng của nhạc sĩ TCS ở Bệnh viện Chợ Rẫy” đăng trên Thanh Niên ngày 3-4-2001. Bài gần nhất là “Hát nhạc Trịnh trong đêm nhạc Bob Dylan” cũng trên Thanh Niên, ngày 18-3-2011, anh cắt ra, chưa kịp lưu vào album.
Ngoài báo, anh còn có những đĩa CD, những cuốn sách... tất cả đều nói về TCS. Trong đó, anh tâm đắc nhất là cuốn “TCS một nhạc sĩ thiên tài” (NXB Trẻ, 2003) của Bửu Ý, tác giả bài Điếu văn đọc bên huyệt mộ TCS ngày 4-4-2001. Anh còn mê nét minh họa của Đinh Cường trong các tập nhạc của TCS trước năm 1975 như Ca khúc Da vàng, Ta phải thấy mặt trời...
Đó là những tập ca khúc mà qua đó, từ lúc còn là học sinh trung học, anh đã nhìn ra một TCS “ẩn mình”…
VĂN THÀNH LÊ