.

... Để gió cuốn đi

Sống trong đời sống. Cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…

Thường mỗi lúc nghêu ngao, mà gặp phải Để gió cuốn đi thì cái tâm thế thay vì được nhè nhẹ dặt dìu bay bổng, lại đâm ra… thương nhớ khôn khuây. Chẳng phải là nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người đã viết nên bài ca ấy. Cũng chẳng phải nhớ như nhớ tình nhân, mà là nhớ một người bạn, một tình yêu đã cát bụi, đã Để gió cuốn đi ! Nhớ cái hay, nhớ cái đẹp, nhớ tấm lòng từ bi, nhớ trái tim giàu có nhân ái.

Một sớm xuân này, trên tay tôi cầm cuốn Như Thị Ngã Văn của Cư sĩ Trí Tánh Đỗ Hữu Tài, nhàn tản trên con đường ven theo bờ sông Cổ Cò. Cũng chẳng rõ cái không gian trầm mặc nơi này khơi gợi trong tôi điều gì mà vô thức lại tràn ra cũ mòn cái cung bậc Để gió cuốn đi.

Nhìn về ngọn núi Kim Sơn bỗng chợt nhớ ra sắp đến mùa Lễ hội 19-2 - Ngày vía Đức Quán Thế Âm. Từ hơn 5 năm trở lại đây, tôi vẫn thường xuyên gửi một vài bài viết tham gia Đặc san Diệu Âm do thầy trụ trì chùa Quán Thế Âm chủ trương thực hiện để chào mừng Lễ hội. Thông thường xưa nay, thầy trụ trì giao việc này cho bạn tôi - Hồ Công Khanh tổ chức bản thảo, in ấn phát hành. Cách đây vài năm, Khanh bận việc nhà nên tôi là người tạm thời thay Khanh đứng ra thực hiện đặc san. Bất ngờ trong việc này, thầy trụ trì còn mời thêm một nhân vật nữa tham gia vào Ban biên tập, người ấy là Đặng Ngọc Khoa. Là một nhà báo tác nghiệp giỏi giang, nên sự góp mặt của Khoa “tòa soạn” Diệu Âm sôi động hẳn lên. Nào phỏng vấn từng anh em rồi post lên trang web của chùa, và cả trang blog của Khoa nữa. Nào điện thoại giục bài vở các cộng tác viên ở xa gửi về cho kịp. Năng lực của Khoa, tôi có nhân gấp nhiều lần lên cũng hụt hơi không bắt kịp. Khoa nhà báo, Khoa dự báo thời tiết, Khoa làm từ thiện khắp trên non dưới bể và lại còn là một cây văn nghệ đủ các môn thi ca nhạc họa.

Tập Như Thị Ngã Văn của Cư sĩ Trí Tánh Đỗ Hữu Tài mà tôi cầm trong tay là do Đặng Ngọc Khoa và anh Lê Đình Ba (nhà thơ Uyên Hà) tổ chức phát hành gây quỹ từ thiện suốt những ngày diễn ra Lễ hội tại chùa Quán Thế Âm vào mấy năm trước, mà Khoa với tư cách là người phụ trách nhóm ACE Thiện Văn -  Đà Nẵng. Những bữa cơm chay tịnh trưa tối ở chùa là những ngày đẹp nhất chúng tôi ở bên nhau.

Từ bấy lâu nay, hình như mối quan hệ giữa tôi và Khoa chỉ có những chuyến lang thang và những cuộc vui mới ơi ới gọi nhau quây quần lại ca hát, còn công việc thì phần ai việc nấy. Có những ngày ngẫu hứng chúng tôi lai rai hát hò suốt từ sáng đến tối, nhiều đêm đến một, hai giờ sáng rồi mà còn rủ nhau kéo về nhà tôi đàn ca sáo thổi. Và dường như mỗi cuộc ấy, bao giờ Khoa cũng thường bốc men như vỡ lồng ngực mà ca lên: Sống trong đời sống. Cần có một tấm lòng… Để gió cuốn đi, làm như đấy là một thứ kinh nhật tụng không biết chán là gì.

 Tôi còn nhớ số đặc san lần ấy, buổi sáng mới mang được thùng sách 50 tập đầu tiên từ nhà in về, đúng vào dịp quận Ngũ Hành Sơn tổ chức Hội thảo Khoa học về đề tài lịch sử vùng non thiêng Ngũ Hành tại đình Hóa Khuê. Vậy là Khoa sốt sắng cùng với thầy trụ trì đem số Đặc san Diệu Âm còn thơm mùi giấy mới ấy đến làm quà tặng cho các đại biểu. Sôi nổi, tận tụy, nhiệt tình trong bất cứ công việc gì mà Khoa đã nhận trách nhiệm. Rong chơi lêu lổng văn nghệ Khoa cũng ở vị trí tiên phong, bởi thế có lần nghe mấy ông nhà thơ, nhà văn nào đó rủ rê làm một đại tiệc… thơ, nghe đâu hoành tráng lắm, Khoa hăm hở lên đường. Ai dè nửa chừng cuộc hội hè tưng bừng đó lại bỏ về, gương mặt rầu rầu đầy thất vọng: “Chúng nó nhà… kiểu gì vậy anh…, thôi mình đi làm vài ly rồi về ngủ”. Nói như vậy nhưng Khoa nào dễ về ngủ, đấy là đêm sông Hàn đồng ca với Khoa đến sáng. Tôi hiểu nỗi lòng Khoa cũng như cái tâm hồn trong trẻo tươi xanh ấy không có chỗ cho sự giả dối chen vào.

Nhớ, thì có khi… nghìn lẻ một đêm còn chưa hết. Nhưng cho dẫu như thế thì cuối cùng cũng chỉ Để gió cuốn đi. Để cái thường trong cái vô thường. Chúng tôi đã những ngàn ngày trong mỗi cuộc đời ở đâu đâu trên Đường trần rồi khăn gói. Hạnh ngộ thay, có một ngày dưới mái hiên chùa, đúng hơn là có một bến đỗ, chẳng ai hò hẹn mà nên. Nó tự đến và nó tự đi, giống như một chuyển hóa từ không đến có, rồi từ có lại về không. Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian này cũng không. Một thiền sư nào đó đã viết như thế.

Đấy cũng là một tia sáng Như Thị Ngã Văn  Khoa đã chuyền tay tôi cầm đến bây giờ. Đấy là cái tên Đặng Ngọc Khoa in màu son còn tươi rói màu mực trên bìa Diệu Âm mùa lễ hội năm ấy. Đấy là tiếng hát của Khoa - một âm thanh vỡ òa từ vô thức thường hằng trong mọi cuộc vui. Bây giờ tất cả Để gió cuốn đi, Khoa ở nơi nào giữa cõi bao la... Lang thang bên dòng sông Cổ Cò bây giờ, tôi nghe ra từ gió xưa dạt dào thổi qua ngọn Kim Sơn. Một vang vọng hay là chính lòng tôi đang ca hát Để gió cuốn đi. Ừ, thì Để gió cuốn đi!

Ngũ Hành Sơn, cuối Giêng Tân Mão

Nguyễn Nhã Tiên
;
.
.
.
.
.