.

Chuyện xưa xứ Quảng: Danh y Nguyễn Kim Châu

.
Nguyễn Kim Châu sinh ngày 26 tháng 1 năm Đinh Hợi (1707), quê làng Thạc Gián, nay thuộc phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Ông là một danh y - đúng hơn là một quan y danh tiếng: Quan Chánh ngự y của viện Thái y, tước Kế Đức Hầu.

Mô tả ảnh.
Mộ danh y Nguyễn Kim Châu hiện ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: LXT)
 
Thời bấy giờ, y thuật không phải là một nghề để lập thân. Y, lý, số chỉ là cái việc “phá nghiệp kiếm ăn xoàng” (Tản Đà) của các nhà Nho khi đường thi cử chưa được hanh thông hay, theo cách nói ngày nay, chỉ là biện pháp tình thế trong quá trình xuất xử - hành tàng. Thế nhưng Nguyễn Kim Châu đã lựa chọn. Chính vì thế, một mặt không phủ nhận khả năng ông được thừa hưởng kiến thức y thuật gia truyền của dòng họ vốn đã nổi tiếng từ đời ông nội, nhưng, chắc chắn ông đã nghiền ngẫm kinh sách, miệt mài tu học, trở thành một quan y nở rộ tài năng. Không những thế, ở ông còn nổi rõ là một con người đức độ, “hết lòng thương người”.

Làm việc tại viện Thái y, ông đã được các chúa Nguyễn dành cho nhiều ân sủng đặc biệt. Lúc ông đang giữ chức Phó Ngự y viện Thái y, tước Kế Đức Bá, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765), trong  “Báo thị Thăng chức” ngày 24 tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762) đã ca ngợi: “… Ông là người tinh thông kinh điển, nghiên cứu sâu rộng, luôn luôn giữ tròn đạo thánh, tra cứu sách vở thánh hiền. Y đạo thấu hiếu tràn đầy. Đây đó tìm ra nhiều phương huyền diệu. Hết lòng giữ chắc một phương then chốt để đề ra thêm bớt khác nhau. Hết lòng thương người, giúp người già trở lại hồi xuân. Đường lối y đạo xuất phát từ nguồn noi theo gương sáng. Hội tụ đất trời về một mối đưa ra phương thức cứu người. Ngựa là trời, trâu là đất ghi các phương chủ tể ngàn đời. Rồng dáng mây, hổ nổi gió, khói nổi sa chìm chẳng quản khó khăn. Đêm dài ngày vắn chầu chực một bên. Lòng thương đã trọng ghi vào đây để trả công ơn rực rỡ vàng son. Nên gia thăng chức Chánh Ngự y, tước Kế Đức Hầu thuộc viện Thái y…”.

Sau khi chúa Võ Vương băng hà (tháng 5 năm Ất Dậu - 1765), chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) lên nối nghiệp. Chỉ một tháng sau, ngày 10 tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765), Định Vương ban Báo thị tiếp tục ghi nhận tài đức của ông, tỏ rõ một tình cảm nể trọng hết mực:

“…Ông là người giỏi môn thái dịch, giữ tiết tháo cao cả của vườn kỳ. Luận đúng âm dương nhận được sự vi diệu của môn y học, sớm tối ở nơi công sở, nhận được sự mến thương của triều trước. Là một tay cự thủ, điều chế được các phương thuốc chân nguyên cho nhà cho nước. Một lòng vận dụng chữa trị mệnh mạch cho sinh dân…”.

Từ đó, ông không những vẫn được giữ nguyên chức tước mà còn kiêm thêm chức Tri bạ doanh Quảng Nam, với một sự tin tưởng sâu sắc từ chúa Nguyễn: “...Ông được sùng thượng là người giữ đúng quan châm và chăm lo y nghiệp. Bảo vệ lam chướng một phương mà ta đã ủy thác. Mạng sống của sinh dân ở ngoài ngàn dặm mong được ông hết lòng bồi bổ”.

Ngày nay ở Thạc Gián, các hậu duệ tộc Nguyễn vẫn truyền tụng câu chuyện thú vị về ông: Mẹ vua Càn Long (1736-1795) nhà Thanh bên Tàu lâm trọng bệnh nhưng không ai cứu chữa được. Càn Long triệu người cho mời Nguyễn Kim Châu từ ngàn dặm xa xôi đến Bắc Kinh thăm bệnh cho Thái hậu. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng những phương thuốc gia truyền, ông đã giúp cho Thái hậu Thanh triều khỏe mạnh. Vua Càn Long và cả triều thần sửng sốt khâm phục tài y thuật của ông. Vua lệnh thưởng cho ông nhiều ngân lượng, châu báu. Nhưng cũng thật lạ lùng, ông đều từ chối, tâu rằng đó chỉ là bổn phận của một lương y. Càn Long bèn cho gọi một danh họa của Thanh triều vào vẽ chân dung ông; đồng thời tặng ông bộ ấm trà bằng gỗ quý. Ông vui vẻ nhận, rồi từ biệt nhà vua trở về nước. (*)

Nguyễn Kim Châu là một ông quan ngự y tài ba đức độ, lấy việc “chữa trị mệnh mạch cho sinh dân” làm mục tiêu tối thượng, nó hoàn toàn không phải là cứu cánh. Nhân cách này của ông làm chúng ta nhớ đến quan điểm của vị danh y lừng lẫy của Đại Việt, sống cùng thời với ông, ở Đàng Ngoài - Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791), rằng: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công…”. Bởi vậy, cho dù sống trong giai đoạn lịch sử xã hội Đàng Trong đã bước vào con đường suy đốn, tệ tham quan ô lại nhũng nhiễu dân lành, thi nhau vơ vét của cải đã diễn ra tràn lan, thế nhưng ông vẫn được “sùng thượng là người giữ đúng quan châm và chăm lo y nghiệp”.

Là một thầy thuốc nổi tiếng, một quan Chánh Ngự y được phong đến tước Hầu thời chúa Nguyễn, ông đáng được coi là một trong những nhân vật điển hình của Đà Nẵng thời phong kiến.

LÊ XUÂN THÔNG

(*) Ông Nguyễn Ngọc Nghĩ - hậu duệ của Nguyễn Kim Châu - Trưởng ban Quản lý Di tích Đình Thạc Gián nay đã gần 71 tuổi kể lại.
;
.
.
.
.
.