Phụ huynh hoang mang vì nhận điện thoại "con cấp cứu, chuyển tiền gấp"

.

Một số phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) hoang mang khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi thông báo “con bị tai nạn” và yêu cầu chuyển tiền gấp để xử lý.

Nhiều số điện thoại lạ liên hệ phụ huynh của Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu thông báo “con bị tai nạn” và yêu cầu chuyển tiền gấp để xử lý. Ảnh chụp màn hình: ĐẮC MẠNH
Nhiều số điện thoại lạ liên hệ phụ huynh của Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu thông báo “con bị tai nạn” và yêu cầu chuyển tiền gấp để xử lý. Ảnh chụp màn hình: ĐẮC MẠNH

Anh S. (có con đang học lớp 3/6) lo lắng khi liên tục nhận được cuộc gọi số điện thoại lạ: 0769.782.944. “Do đang họp nên tôi chưa nghe máy. Nhưng sau khi tìm hiểu trong nhóm của phụ huynh, tôi biết số điện thoại này báo tin về việc con của chúng tôi bị nạn, đang nhập viện và yêu cầu chuyển tiền gấp để xử lý. Cụ thể, phụ huynh M. cho biết đã nhận được điện thoại của số 0769.782.944 báo “con bị tai nạn té cầu thang, đang đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng”, sau đó gửi tin nhắn yêu cầu chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản 0410…, ngân hàng MSB của người tên Nguyen Trung Kien. Nhiều phụ huynh lo lắng, hốt hoảng nên lập tức chạy tới trường”, anh S. phản ánh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng qua điện thoại chiều 14-3, bà Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu xác nhận: trưa 14-3, một vài phụ huynh có con học tại trường nhận được cuộc gọi nên hốt hoảng chạy tới trường để tìm hiểu. “Tuy nhiên, tất cả học sinh của trường đều trong trạng thái an toàn”, bà Vân nói và cho biết, ngay sau khi xuất hiện tình trạng các đối tượng gọi điện báo tin “con bị tai nạn” yêu cầu chuyển tiền rồi lừa đảo xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh tất cả các lớp trên toàn trường để cảnh báo. “Nhà trường nhắc đi nhắc lại với phụ huynh là chỉ có giáo viên chủ nhiệm và các thành viên trong ban giám hiệu mới phát đi thông tin về tình hình của học sinh. Thành viên ban giám hiệu khi điện thoại trao đổi thông tin đều phải xưng danh đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi đang băn khoăn không hiểu là vì sao số điện thoại của phụ huynh các khối lớp 1, 2, 3 và khối lớp 4 của trường lại bị lọt ra ngoài. Nhà trường hoàn toàn không cung cấp số điện thoại của phụ huynh cho bất kỳ ai”, bà Vân khẳng định.

Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, sở đã thông tin tới phòng giáo dục và đào tạo các quận/huyện trên địa bàn thành phố, yêu cầu các đơn vị này nhắc nhở, chỉ đạo các trường chủ động gửi tin nhắn cảnh báo cho các phụ huynh.

Nội dung tin nhắn: “Hôm nay, một số phụ huynh của nhà trường nhận được thông tin học sinh bị chấn thương sọ não, hoặc bị gãy tay… đang cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng hoặc Bệnh viện Gia Đình. Nhà trường kính mong quý phụ huynh bình tĩnh, cảnh giác, không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào của đối tượng xấu. Trong thời gian học sinh ở trường, nếu có tình huống các con té ngã hay các sự cố không mong muốn khác, ban giám hiệu nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm sẽ gọi điện thoại trực tiếp cho phụ huynh. Vậy, nhà trường gửi thông tin để phụ huynh biết và cảnh giác”.

Cũng theo ông Thành, để tránh sập bẫy thủ đoạn lừa đảo bằng cách giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn đang cấp cứu, từ đó hối thúc chuyển tiền để phẫu thuật rồi chiếm đoạt, các phụ huynh cần thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin. “Giáo viên chủ nhiệm phải sẵn sàng nghe điện thoại, trao đổi với phụ huynh về tình hình của học sinh, tránh trường hợp phụ huynh không liên hệ được giáo viên, hoảng loạn và chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ”, ông Thành nói.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.