.

Thưa ba má, con mới về!

.

Một câu nói đơn giản nhưng hàm chứa biết bao nhiêu yêu thương, an lành trong đó của đứa con trai út đã 15 năm xa quê vào thành phố Hồ Chí Minh mưu sinh… Và Tết năm nào cũng mong mỏi trở về nhà để được dạ thưa như thế!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chẳng ai trong cuộc đời này muốn làm kẻ tha hương nơi đất khách, chỉ là hoàn cảnh cuộc sống buộc người ta đôi khi không thể khác. Nhưng phải sống xa quê rồi mới thấy quê nhà luôn ở trong tim. Nhiều người vẫn nói, ngày Tết bây giờ đã mất đi nhiều hương vị đẹp từ không gian, bối cảnh cho đến cả tâm thức con người… Đành vậy thôi, vì cuộc sống đã không còn như ngày trước nữa. Thế nhưng, dù có “mất mát” hay thay đổi đến đâu, thì ý nghĩa sum vầy của ngày Tết vẫn cứ là một giá trị bất biến. Ngày Tết, được về nhà ăn bữa cơm cùng ba, má và người thân, vậy là đã đủ, quá đủ để ấm áp.

Làm người tha hương rồi mới thấy cái gì của quê nhà cũng quý cũng đáng nâng niu, đặc biệt là cái tình cái nghĩa, cái máu mủ ruột rà... Đã không còn cảnh cả nhà thức đến 3-4 giờ sáng của ngày 30 Tết gói bánh tét cho kịp nấu trong ngày, không còn cảnh má nhễ nhại mồ hôi bên bếp than làm chảo mứt gừng, hay hì hục tay chân để làm hộc bánh cốm…

Mọi thứ giờ hầu hết đều được mua ở chợ hoặc nhờ bà con ai đó làm giùm. Nhưng, không làm bánh mứt nữa thì không có nghĩa là trong lòng không còn chộn rộn vui. Ngày 30 Tết bớt bận rộn như ngày xưa, nhưng lại bận rộn theo cách khác khi ba má cười nói, hỏi han từ sớm đến tối chuyện sức khỏe, công việc của con cháu… Nhà có 7 anh em trai, 5 trong số đó đã xa nhà lập nghiệp. Một năm 365 ngày, chỉ có vài ngày Tết là cả nhà tương đối đông đủ, chuyện này nối tiếp chuyện kia, nói đến bao giờ mới hết đây?

Càng sống, càng trải nghiệm mới thấy hạnh phúc đơn giản lắm. Cái câu nói: “Thưa ba má, con mới về!” chỉ ngắn gọn thế, chỉ giản dị thế, nhưng đâu phải ai cũng có cơ hội nói được và quan trọng hơn đâu phải ai cũng còn đủ cả ba lẫn má để mà nghe con mình nói. Có người chỉ còn ba, có người chỉ còn má, có người mồ côi cả hai… Có người vì nhiều lý do mà ngày Tết không về thăm nhà được, có người ngày Tết về thăm nhà nhưng lại ngại bày tỏ…

Vậy nên, còn được nói: “Thưa ba má, con mới về!” là biết mình đang hạnh phúc gấp trăm ngàn lần người khác. Nghĩa là còn ba, còn má để yêu thương, còn thấy mình vẫn vững chãi sau một năm xuôi ngược ngoài phố phường, còn có một mái nhà mà dù bị cuộc đời từ chối đến thế nào vẫn không sợ thiếu hơi ấm bao bọc. Và trên hết, còn thấy được sự bình an…

Người Việt trẻ hôm nay lúc nào cũng được các thế hệ đi trước khuyến khích nên đi xa và đi nhiều, để học trải nghiệm và trưởng thành, để thấy thế giới rộng lớn đến chừng nào… Nhưng đi gần hết 12 tháng là được rồi, nên dành vài ngày cuối năm để về nhà. Về nhà với ba má, với gia đình… để rồi lại đi tiếp. Về để thấy không phải cái gì ngoài kia cũng đẹp đẽ, cái gì của quê nhà cũng xấu xí… Về để thấy không phải cái gì ngoài kia cũng lung linh, cái gì của quê nhà cũng thô kệch… Về để thấy mình vẫn chỉ là một đứa trẻ con!

Năm lại hết. Lại sắp Tết. Lại sắp được về để được hít hà cái không khí của ngày 30 Tết ấm cúng, của những ngày đầu năm sum vầy và đi lễ chùa khấn nguyện bình an…

Và lại sắp được khoanh tay trước bậc thềm nhà, một ngày cuối năm và nói: “Thưa ba má, con mới về!”.

NGUYỄN PHONG VIỆT

;
.
.
.
.
.