Văn hóa - Giải trí

Di tích văn hóa, lịch sử Hòa Vang - Trường Tiểu học An Phước

Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh

13:11, 24/04/2024 (GMT+7)

Người dân An Phước từ xưa đã có truyền thống cần cù lao động, yêu nước và hiếu học. Vào đầu thế kỷ XX đã có nhiều gia đình trong tổng An Phước thuộc dòng khoa bảng, theo xu hướng cải cách của phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng. Trường Cẩm Toại tại tổng An Phước, huyện Đại Lộc, Quảng Nam (nay là Trường Tiểu học An Phước, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) theo đường lối “khai thông dân trí” của phong trào Duy Tân, dạy theo lối mới.

Khánh thành tượng ông Lâm Quang Tự tại Trường Tiểu học An Phước. Ảnh: Đ.G.H
Khánh thành tượng ông Lâm Quang Tự tại Trường Tiểu học An Phước. Ảnh: Đ.G.H

Theo tư liệu lịch sử của huyện Hòa Vang, ngôi trường Cẩm Toại do ông Tú Lâm Hữu Mẫn (cha của ông Lâm Quang Tự) thành lập vào năm 1888 (chứ không phải thành lập năm 1908 do ông Lâm Quang Tự lập như một số tài liệu đã ghi), nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, tại vườn cụ Hương ở Gò Lòi, cạnh cầu Muồng, nối liền hai làng Cẩm Toại và La Châu. Học trò không chỉ con em trong làng Cẩm Toại mà còn có con em các làng La Châu, Hương Lam theo học. Với mục đích của trường dạy học vì việc nghĩa, trường dạy chữ cho cả trẻ em và người lớn, không thu học phí.

Đầu thế kỷ XX, phong trào Duy Tân khởi phát tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương (nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) sau lan nhanh ra vùng bắc Quảng Nam, tạo nên không khí mới với khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Các nhà nho mở trường tân học, lập hội diễn thuyết, hùn vốn lập Hương hội ở Diên Phong, Hội An… Ông Lâm Hữu Mẫn hưởng ứng phong trào Duy Tân, giao trường lại cho con trai là Lâm Quang Tự - tức ông Nghè Lâm, đứng ra tập hợp thanh niên lên Đồng Xanh, Đồng Nghệ mở doanh điền theo chủ trương “Dĩ nông hợp quần” của các lãnh đạo phong trào Duy Tân.

Được đào tạo theo nho học nhưng ông Lâm Quang Tự đã thấy mặt hạn chế của nho học nên ra sức học chữ Quốc ngữ và thường xuyên gặp gỡ các sĩ phu yêu nước như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… tích cực chuẩn bị điều kiện để chuyển sang dạy chữ Quốc ngữ vào mùa xuân Bính Ngọ (1906).

Trường nho học Cẩm Toại được ông Nghè Lâm chuyển thành một trường tân học theo lối học của tất cả các trường Duy Tân trong tỉnh: dạy chữ Quốc ngữ, cùng những môn học khoa học thường thức. Lịch học của trường theo phương châm “thả học, thả canh”, tức vừa làm ruộng, vừa dạy học. Ngoài giờ dạy học, ông Lâm Quang Tự còn tổ chức tại trường những buổi diễn thuyết tuyên truyền tư tưởng mới, tư tưởng dân chủ, dân quyền trong nhân dân như đả phá mê tín dị đoan, bài trừ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh.

Năm 1908, để tưởng nhớ cụ Ông Ích Đường vừa mới hy sinh và như một phản kháng lại hành động dã man của thực dân Pháp đã xử chém đầu Ông Ích Đường ở chợ Túy Loan, ông Lâm Quang Tự được nhân dân và các nhân sĩ trong vùng giúp đỡ dời trường từ xóm Đông lên xóm Đình, mặt trông thẳng ra đường 14. Trường ở vị trí đó cho đến ngày nay. Trường Cẩm Toại hoạt động theo tôn chỉ Duy Tân được hai năm (1906-1908) thì phong trào chống thuế nổ ra. Thực dân Pháp và tay sai ra sức đàn áp phong trào Duy tân, lùng bắt sĩ phu tham gia phong trào, tiêu diệt các cơ sở có liên quan đến phong trào, nhiều trường tân học bị lính thực dân đến phá hủy hoặc đóng cửa. Trường Cẩm Toại may mắn vượt qua đợt khủng bố của thực dân nhờ tài ứng xử khôn khéo của ông Âm Sáu - con trai cụ Đỗ Thúc Tịnh.

Đến năm 1926, Đốc học tỉnh Quảng Nam công nhận Trường Cẩm Toại là trường công lập mang tên Ecole Cantonale d’ An Phuoc (trường tổng An Phước) và bắt đầu bổ nhiệm giáo viên chuyên nghiệp. Năm 1938 trường mở Cours Moyen deuxième année (lớp Nhì nhị niên) và đầu năm học 1939-1940, được đốc học tỉnh duyệt đồng ý cho mở Cours Supérieur (lớp Nhất) để trở thành trường tiểu học hoàn chỉnh Đây là niềm tự hào lớn của người dân An Phước, vì lúc bấy giờ nhiều trường ở các phủ huyện khác vẫn chưa đạt được.

Sau Cách mạng Tháng Tám, tháng 9-1945 trường bỏ tên cũ bằng tiếng Pháp và lấy tên mới là Trường Tiểu học An Phước. Năm 2001, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, vào ngày 14-6, thầy trò Trường Tiểu học An Phước làm lễ kỷ niệm để tưởng nhớ những người đã có công khai sinh ra ngôi trường này.

ĐOÀN GIA HUY

.