Tôn vinh chữ quốc ngữ

.

Dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes tại nghĩa trang Armenia, (thành phố Isfahan, Iran), thành lập Viện Vinh danh chữ quốc ngữ, bảo vệ và phát triển tiếng Việt... là động thái tích cực của những nhà trí thức nhằm vinh danh chữ quốc ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Buổi lễ tri ân Alexandre de Rhodes tại nghĩa trang Armenia (thành phố Isfahan, Iran) với sự tham dự của chính quyền sở tại và đoàn công dân Việt Nam. (Ảnh chụp từ phim tài liệu)
Buổi lễ tri ân Alexandre de Rhodes tại nghĩa trang Armenia (thành phố Isfahan, Iran) với sự tham dự của chính quyền sở tại và đoàn công dân Việt Nam. (Ảnh chụp từ phim tài liệu)

Giữa tháng 4-2019, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) tổ chức chiếu phim tài liệu ngắn về sự kiện dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes tại nghĩa trang Armenia (thành phố Isfahan, Iran) vào cuối năm 2018.

Đoạn phim khiến những người tham dự không khỏi xúc động bởi thể hiện sự biết ơn của người dân Việt Nam đối với Alexandre de Rhodes và cũng bởi đây là lần đầu tiên, suốt mấy trăm năm qua, một phái đoàn người Việt viếng mộ người sáng lập ra chữ quốc ngữ.

GS. Nguyễn Đăng Hưng, Viện trưởng Viện Vinh danh chữ quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt (Trường Đại học Duy Tân), thành viên trong đoàn chia sẻ, từ năm 2017, ông lặng lẽ tìm về Hội An, lần theo những dấu vết đầu tiên của các giáo sĩ phương Tây khi đến Việt Nam trước đây.

Cũng theo vị giáo sư này, sự ra đời và phổ biến chữ quốc ngữ có công sức của nhiều thế hệ, từ các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, cộng tác viên người Việt đến các học giả Trương Vĩnh Ký, Lương Định Của, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Xuân Hãn, Hữu Đang..., nhưng công đầu thuộc về Alexandre de Rhodes.

Năm 1651, dựa theo công trình của các giáo sĩ Bồ Đào Nha trước đó, Alexandre de Rhodes đã tập hợp, chỉnh lý, bổ sung và hoàn chỉnh những công trình chữ quốc ngữ còn sơ khai mà giáo sĩ Francisco de Pina và các cộng sự người Việt đi trước để lại và biên soạn cuốn Từ điển Việt-Bồ-La nổi tiếng. Để tri ân ông, thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên ông đặt cho con đường gần khu vực Dinh Thống Nhất và nằm đối diện với đường Hàn Thuyên- người có vai trò như Alexandre de Rhodes, nhưng là ở chữ Nôm.

“Alexandre de Rhodes đã góp phần cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời, giúp người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa. Nhưng chúng ta chưa dành cho ông sự tôn vinh đặc biệt và cũng chưa có ngày vinh danh chữ quốc ngữ và tiếng Việt”, GS. Nguyễn Đăng Hưng nói.

Từ sự trăn trở này, vào tháng 11-2018, GS. Nguyễn Đăng Hưng quyết định tổ chức một phái đoàn công dân Việt Nam sang Isfahan (cố đô xứ Ba Tư, Iran ngày nay) viếng thăm và dâng hoa tại phần mộ của cố linh mục Alexandre de Rhodes.

Sau 3 lần gõ cửa những cơ quan có thẩm quyền bày tỏ nguyện vọng dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes, cuối cùng, đoàn cũng được chấp thuận bởi sự việc này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Như vậy, tấm bia đá được lấy từ Quảng Nam vượt chặng đường dài sang tận xứ Ba Tư xưa để đặt trước mộ cha đẻ chữ quốc ngữ. Bia khắc dòng chữ bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Iran: “Tri ân cha Alexandre de Rhodes có đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ quốc ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latin”.

Ngoài việc đặt bia tri ân Alexandre de Rhodes, cuối năm 2018, Trường Đại học Duy Tân thành lập Viện Vinh danh chữ quốc ngữ, bảo vệ và phát triển tiếng Việt (gọi tắt là Viện). Viện hoạt động dưới sự giám sát của Trường Đại học Duy Tân, đặt trụ sở trong khuôn viên Trường Đại học Duy Tân (số 3 đường Quang Trung).

Viện có chức năng vinh danh và tri ân các nhà khai phóng đã góp công hình thành và quảng bá chữ quốc ngữ; nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử của sự ra đời và phổ biến chữ quốc ngữ, tổ chức các hội thảo khoa học mang tầm quốc gia, quốc tế về lĩnh vực này; bảo vệ sự thống nhất và tính trong sáng của tiếng Việt...

HÀ THU

;
;
.
.
.
.
.