Trị liệu bằng âm nhạc cho trẻ khuyết tật

.

Hoạt động trị liệu bằng âm nhạc giúp trẻ khuyết tật (KT) rèn luyện kỹ năng vận động, kỹ năng xã hội và kỹ năng tập trung chú ý, đồng thời giảm thiểu những hành vi không mong muốn…

Thông qua việc trị liệu bằng âm nhạc, nhiều học sinh đã phát triển được kỹ năng của mình.
Thông qua việc trị liệu bằng âm nhạc, nhiều học sinh đã phát triển được kỹ năng của mình.

Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết, hiện có trên 900 học sinh KT học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục tại Đà Nẵng. Trẻ KT ở bất kỳ dạng nào và mức độ nặng hay nhẹ đều thích âm nhạc. Dù không thể đọc nốt nhạc hay thuộc hết một bài hát nhưng trẻ vẫn có thể chú ý nghe và thích thú vận động theo điệu nhạc. Đặc biệt, hoạt động trị liệu âm nhạc còn giúp trẻ rèn luyện kỹ năng vận động, kỹ năng xã hội, kỹ năng tập trung chú ý...

Nắm bắt tầm quan trọng của trị liệu bằng âm nhạc đối với trẻ KT, thời gian qua, Sở GD&ĐT chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hoạt động trị liệu âm nhạc. Theo đó, sở đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho gần 200 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường mầm non, tiểu học có học sinh KT học hòa nhập. Sở GD&ĐT cũng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động trị liệu âm nhạc ở các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các trường sắp xếp, bố trí phòng chức năng trị liệu âm nhạc.

Năm học 2018-2019, Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Thanh Khê) có 16 học sinh KT; trong đó 8 em KT trí tuệ, 6 em tăng động, 1 em tự kỷ và 1 em câm điếc. Cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám cho biết, việc vận dụng phương pháp trị liệu bằng âm nhạc ở trường gặp một số khó khăn, thuận lợi nhất định.

Về khó khăn, nhiều lớp có sĩ số học sinh đông nên khó phân bổ thời gian quan tâm đến học sinh KT. Đặc biệt, nhiều học sinh tăng động ở mức độ nặng, ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học trên lớp; một số em thường làm tổn thương đến các bạn trong lớp… Tuy nhiên, trong hơn 3 tháng qua, với sự nỗ lực của giáo viên, việc trị liệu bằng âm nhạc cho trẻ KT cũng gặt hái kết quả tích cực. “Thông qua hoạt động âm nhạc, các em đã phát triển kỹ năng tương tác xã hội, giao tiếp, vận động, nhận thức các giác quan, sự gắn kết”, cô Nga chia sẻ.

Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) năm học này cũng có 33 học sinh KT với nhiều dạng khác nhau. Nhằm thực hiện chương trình trị liệu bằng âm nhạc theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, nhà trường cử 1 giáo viên, 1 Tổng phụ trách Đội tham gia lớp tập huấn trị liệu âm nhạc do Sở GD&ĐT tổ chức, sau đó tập huấn lại cho giáo viên trong trường. Nhà trường chia 2 lớp học, với thời lượng mỗi tháng 2 tiết ở phòng trị liệu.

Theo cô Nguyễn Thị Hà Vân, giáo viên trực tiếp giảng dạy trị liệu bằng âm nhạc cho trẻ KT của trường, nội dung tổ chức trị liệu là trò chơi theo nhạc, hát, múa. Ngày đầu tiên tham gia lớp học, các em còn rụt rè nhưng dần dần các em vui vẻ, phấn khởi hẳn. Nhiều học sinh tham gia đầy đủ, nhiệt tình; qua đó các em có thể làm chủ bản thân hơn, thích ứng và biết cách ứng phó các tình huống khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. “Đặc biệt, sau khi trị liệu bằng âm nhạc, các em thực hiện được các kỹ năng, chăm sóc bản thân, giao tiếp, hợp tác, từ đó hòa nhập, tiếp cận kiến thức mới tốt hơn và có suy nghĩ tích cực, tự tin lựa chọn các hành vi đúng đắn. Qua đây cũng giúp giáo viên phát hiện những năng khiếu, phẩm chất năng lực của học sinh”, cô Hà Vân nhận định.

Cũng mang lại hiệu quả qua phương pháp trị liệu bằng âm nhạc cho trẻ KT, từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, Trường tiểu học Tô Hiến Thành (quận Ngũ hành Sơn) đã hỗ trợ 35 học sinh KT từng bước thích thú với âm nhạc. Biểu hiện rõ nhất, theo Ban giám hiệu nhà trường là trước khi áp dụng phương pháp trị liệu âm nhạc, học sinh KT thường rất khó tiếp xúc, ít chịu hợp tác. Sau vài tiết học, các em đã có sự điều tiết về hành vi, tham gia chơi, hoạt động với các bạn. Một số em bộc lộ cảm xúc và khả năng mà trước đây chưa hề thể hiện.

Bà Hồ Thị Cẩm Bình cho biết thêm, trị liệu bằng âm nhạc bước đầu mang lại những tín hiệu vui. Do đó, trong thời gian đến, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường tăng cường giảng dạy bằng phương pháp này nhằm giúp học sinh KT đang học hòa nhập bớt thiệt thòi để hòa nhập cộng đồng, xã hội nhiều hơn.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.