5 con suối cho dòng sông văn chương Ngô Minh(*)

.

Nhà thơ Ngô Minh đã viết trên một nghìn bài thơ. Ông xuất bản nhiều sách, đặc biệt trong số đó, bộ sách Ngô Minh tác phẩm gồm 5 tập, mỗi tập dày 500 trang là những tập thơ, chân dung, ký và phóng sự, tiểu luận phê bình và phê bình văn chương mà nhà thơ đã tự tuyển chọn, in ấn xuất bản. Đây được coi là bộ sách khép lại quá trình sáng tác văn học hơn 40 năm của nhà thơ Ngô Minh.   

Tác giả và cố nhà thơ Ngô Minh (phải).
Tác giả và cố nhà thơ Ngô Minh (phải).

Tôi còn nhớ đêm thơ của nhà thơ Phùng Quán ở Điện Bàn, do Chi hội văn nghệ huyện này đứng ra tổ chức khoảng đầu năm 1988. Trước khi Phùng Quán vượt đèo Hải Vân vào thăm bạn bè yêu thơ của ông ở Quảng Nam - Đà Nẵng thì nhà thơ Ngô Minh là một trong những người gần gũi, chăm lo cho Phùng Quán trong thời gian ông lang bạt ở Huế. Sau đêm thơ ấy, tôi quen biết nhà thơ Ngô Minh.
Biết nhau chưa lâu, nhưng mỗi lần ra Huế công tác, anh em lại gặp nhau. Ngô Minh hiền lành, chân chất, đặc biệt, khi đọc tác phẩm của bạn bè, anh luôn chân thành. Thấy cái nào được là khen ngay. Khen thật lòng chứ không xã giao, lấy lòng, chẳng hơn thua, ganh ghét với ai… Anh viết nhiều, đủ loại, nhất là đến mùa báo Tết, hầu như ít tờ báo thiếu vắng Ngô Minh.

Anh thường ví von, lấy ngắn nuôi dài! Không chỉ viết nhiều mà anh còn là người đọc nhiều. Anh thường nói, đọc để học, bồi bổ kiến thức. Đọc để gây men cảm xúc cho chính mình. Và tôi khâm phục sức đọc, sức nghĩ, sức viết của Ngô Minh trong những bậc đàn anh văn nghệ mà tôi đã gặp. Có nhiều nhà thơ lớn, họ chỉ đọc họ và các tác giả lớn hơn, còn Ngô Minh thì luôn gần gũi, chăm chỉ đọc lớp trẻ một cách chân tình, khen chê minh bạch. Đọc nhiều, viết nhiều, in nhiều là chuyện đương nhiên của Ngô Minh rồi. Nhưng tự in cho mình một bộ sách 5 tập trên 2.000 trang quả là chuyện xưa nay hiếm, vì khó có nhà xuất bản nào in Ngô Minh tác phẩm tuyển tập để bán. Thế mà anh đã làm, đã bán được sách, và nhiều người tin anh làm thành công.

Điều đầu tiên của thành công ấy, phải nói đến là cái chất văn chương của Ngô Minh. Anh viết như đào bới ruột gan mình ra mà viết, bày ra hết những nỗi niềm đa mang hồn hậu về tình người, tình đất thông qua những trang viết của mình. Ngô Minh không phải là người nhàn tản trong cõi văn chương, anh không giấu giếm sự nhọc nhằn cơm áo của mình. Riêng với thơ thôi, Ngô Minh chia sẻ: “Tôi luôn tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch đối với thi ca (cũng như văn chương) là dù viết theo trường phái truyền thống, siêu thực, tượng trưng, tân hình thức, hậu hiện đại… gì gì, thì trước hết phải hay, phải làm xúc động lòng người, phải làm cho người đọc “nổi da gà”.

Muốn như thế thơ trước hết phải là tâm trạng thật của cái tôi trữ tình. Thơ tôi là thơ thật, là thơ để giãi bày tâm trạng, chia sẻ hoàn cảnh nên được nhiều người đồng cảm, vậy thôi”. Có phải vì thế mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng thơ Ngô Minh đã đạt tới “sự tinh tế về tâm hồn và sự chín muồi về ngôn ngữ! Thơ Ngô Minh hay là vì nhà thơ đủ bản lĩnh nghề nghiệp để tìm thấy cái hay từ những chuyện nho nhỏ thường ngày. Sự thật thì không cái nào là nhỏ; mỗi kinh nghiệm đạt đạo đều đáng quý cho thơ”.

Thực ra, tôi không có tham vọng trong một thời gian ngắn có thể đọc hết hơn hai ngàn trang sách của anh. Mà ngay cả việc viết đôi điều về một tập trong đó thôi, đã cần phải đọc kỹ, phải nghiền ngẫm cả tháng rồi mới viết được! Bộ sách này được xem như tuyển tập của một đời văn Ngô Minh khi anh bước vào tuổi 67: “Ngô Minh làm tuyển lúc 67 tuổi cũng không phải là “chưa đến độ”. Vì những gì tinh túy nhất, sung sức nhất mình đã trút hết rồi. Chắc chắn, nếu không có sự đột biến nào đấy, sẽ không viết hay hơn được nữa. Bộ Ngô Minh tác phẩm sẽ thay Ngô Minh sống tiếp với cháu con và bạn đọc…”, anh tâm sự như vậy.

Tập Một, in gần 400 bài trong số 1.500 bài thơ của 7 tập thơ của Ngô Minh đã xuất bản. Tập Hai, gần 50 bài viết về các văn nghệ sĩ đương đại có cá tính, bản lĩnh, trải qua nhiều biến cố giông bão trong cuộc đời đã để lại sự cảm kích trong lòng của tác giả: Trần Quang Long, Ngô Kha, Bửu Chỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Vàng Sao, Nguyễn Trọng Tạo, Tô Nhuận Vỹ, Hà Khánh Linh, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Tuân, Phùng Quán… lấy tên là Người đồng hành cô độc!

Tập Ba, Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em, gồm những bài bút ký, phóng sự chọn lọc, xúc động, những phát hiện lý thú, ấn tượng được tác giả viết trên những chuyến viễn du qua mọi miền đất nước. Với đôi mắt của một nhà thơ, ký và phóng sự của Ngô Minh phản ánh cuộc sống luôn lung linh sắc màu giữa nỗi đau và hạnh phúc của con người… Tập Bốn, dành cho Bút ký và tiểu luận thơ Chuyện làng thơ Việt; gồm những bài bút ký, tiểu luận về thơ được tác giả viết tâm huyết, chân thành, đánh giá, cảm nhận, phân tích quan điểm của tác giả về thơ hiện nay. Tập Năm là tuyển chọn những bài viết đặc sắc của nhiều tác giả viết về thơ, văn và cuộc đời Ngô Minh như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồng Nhu, Hồ Thế Hà, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Ngọc Phú, Tô Nhuận Vỹ, Phạm Phú Phong, Mai Văn Hoan, Lý Đợi,… Trong tập sách còn có hơn 100 bức ảnh của tác giả với gia đình, vợ con, bạn bè, văn nghệ sĩ cả nước.

Ngô Minh tác phẩm tuyển chọn những trang văn, thơ tinh túy, chắt lọc đặc trưng phong cách của Ngô Minh từ một khối lượng sáng tác đồ sộ suốt 40 năm cầm bút đầy những đam mê khát vọng, những khắc khoải lo toan, những niềm tin về sáng tạo nghệ thuật, về con người, cuộc sống trong tâm tình hiến dâng tất cả vì cái đẹp, vì sự thật, vì những giá trị cao cả đầy tính nhân văn.

Cuộc đời thật lạ lùng, Ngô Minh xuất thân là sinh viên đại học ngành thương mại, nhưng nghề anh chọn và chung thủy với nó suốt đời là nghề viết báo, để rồi anh gửi gắm ký thác đời mình vào văn học, gói ghém tất cả những đau đớn trải nghiệm, những nỗi ám ảnh khôn nguôi về quê hương, về hình bóng người mẹ nghèo tần tảo, về những năm tháng nhọc nhằn với biết bao nghĩ suy về thời cuộc, về được mất của kiếp người... Bộ sách này đồ sộ cả một đời văn, là tất cả “kết tinh thành hột muối/ để nhận ra mắt biển một chân trời” (Thơ Ngô Minh).

Nguyễn Ngọc Hạnh

(*): Ý của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế: "Có thể gọi bộ sách này là 5 nhánh suối cho dòng sông văn chương Ngô Minh".

;
;
.
.
.
.
.