Những địa chỉ đỏ

.

Tượng đài Mẹ Nhu, khu lưu niệm nhà Mẹ Nhu, Nhà truyền thống quận Thanh Khê... là những địa chỉ đỏ về văn hóa, lịch sử nhằm tưởng nhớ chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê; đồng thời có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nhà truyền thống và Thư viện quận Thanh Khê được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 12-2018. TRONG ẢNH: Cán bộ, nhân dân đến tham quan Nhà truyền thống và Thư viện quận Thanh Khê.
Nhà truyền thống và Thư viện quận Thanh Khê được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 12-2018. TRONG ẢNH: Cán bộ, nhân dân đến tham quan Nhà truyền thống và Thư viện quận Thanh Khê.

1. Ra Bắc hay vào Nam trên đường Điện Biên Phủ, cửa ngõ ra vào nội đô Đà Nẵng sẽ bắt gặp tượng đài người phụ nữ Việt Nam, được nhân dân tôn kính và yêu thương gọi là “Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê”, thân thiết hơn là “Tượng đài Mẹ Nhu”. Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê cao gần 12m, do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện trong 6 tháng, khánh thành năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Tượng Mẹ Nhu được làm từ khoảng hơn 7.000 vỏ bom đạn với hình tượng cánh tay dang rộng, ôm lấy các chiến sĩ vào lòng.

Vượt lên trên câu chuyện Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê là hình tượng của những bà mẹ Việt Nam giàu lòng yêu thương trên mảnh đất này. Theo thông tin từ UBND quận Thanh Khê, trong một dịp kỷ niệm chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê, chính nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng từng bày tỏ: Tình cờ trên đường đi thăm gia đình cụ Huỳnh Thúc Kháng về qua phường Thanh Bình, ông gặp một trận mưa giông và bị thu hút bởi hình ảnh bà mẹ đội nón lá cột tấm nilon che hai đứa con nhỏ. Hành động của người mẹ che chở hai đứa con, hình ảnh gà mẹ thường dang đôi cánh bảo vệ đàn con đã tạo ý tưởng cho ông thực hiện tượng đài Mẹ Dũng sĩ.

Nhiều năm qua, “Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê” trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của tình mẹ và là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ. Những dịp kỷ niệm, ngày lễ, sự kiện lớn của quận, thành phố và cả nước, Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê, các đoàn thể, học sinh trên địa bàn quận đến dâng hương ôn lại truyền thống quê hương cách mạng, chiến công vang dội của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
2. Cùng với “Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê”, UBND quận Thanh Khê đặc biệt quan tâm đến di tích “Khu lưu niệm nhà Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ”. Di tích này hiện nằm trong con hẻm nhỏ đường Trần Cao Vân, có diện tích hơn 600m2.

Ông Phạm Phú Lý (73 tuổi) người con trai thứ của Mẹ Nhu đảm nhận việc bảo vệ, chăm sóc di tích cho biết, năm 1985, chính quyền địa phương xây dựng nhà lưu niệm trên nền nhà cũ của Mẹ Nhu. Đến năm 2009, khu nhà được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và được trùng tu, xây dựng lại khá khang trang. Tại đây có trưng bày tài liệu, hiện vật tiêu biểu liên quan đến Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê như: sa bàn mô tả trận đánh, bộ quần áo của Mẹ Nhu, chén đĩa và hộp thiếc Mẹ từng dùng để đưa cơm xuống hầm cho các chiến sĩ, nắp hầm bí mật... Ngoài ra, trong khu lưu niệm còn có mộ Mẹ Nhu và hầm bí mật. Năm 2017, Phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê khảo sát thực tế và đã đề nghị các cấp, ngành liên quan đặt biển chỉ dẫn, nâng cấp đường dẫn vào khu di tích, sửa chữa phục dựng hầm trú ẩn...

Ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cho biết, có rất nhiều trường học trong và ngoài quận đưa học sinh đến tham quan. Đoàn Thanh niên, Hội Tù yêu nước, Biệt động thành phố, Hội Phụ nữ các cấp cũng tìm về di tích nhà Mẹ Nhu để được nghe lại chiến công ngày ấy và bày tỏ lòng biết ơn, cảm phục sự hy sinh của Mẹ cũng như lòng quả cảm của 7 Dũng sĩ Thanh Khê chiến đấu đến cùng để bảo vệ quê hương, đất nước.

3. Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê, đầu năm 2018, UBND quận Thanh Khê quyết định nâng cấp cơ sở 374 Điện Biên Phủ thành Nhà truyền thống và Thư viện cấp quận. Nơi này trước đây là cơ sở làm việc của Phòng Văn hóa-Thông tin quận. Được xây dựng trên diện tích gần 600m2, Nhà truyền thống và Thư viện quận Thanh Khê có lối kiến trúc mở, hai tầng. Tầng trên là Nhà truyền thống.

Trong đó, mặt chính là không gian trưng bày các huân chương, huy chương, thành tích của quận qua các thời kỳ; chân dung, danh sách các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng tiêu biểu của quận trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; kỷ yếu của quận Thanh Khê... Không gian xung quanh phòng trưng bày gồm có: không gian trưng bày nội dung lịch sử quận Thanh Khê, giới thiệu mảnh đất - con người Thanh Khê thông qua tài liệu, ảnh về các di tích trên địa bàn quận như di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà lưu niệm Mẹ Nhu, tượng Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê, di tích cách mạng ngôi miếu Tam vị Thanh Khê và Hà Khê, di tích cách mạng miếu bà xóm Thanh Minh, di tích cấp quốc gia Đình làng Thạc Gián...

Không gian trưng bày và giới thiệu truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Thanh Khê trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thông qua hình ảnh, tài liệu, hiện vật, như các loại vũ khí thô sơ dùng trong kháng chiến chống Pháp, hủ gạo kháng chiến của nhân dân Thanh Khê ủng hộ cách mạng, ống tre đựng nước, đựng lương khô của bộ đội, vũ khí tự tạo của Đội du kích Phan Thanh, hiện vật của các Dũng sĩ Thanh Khê, kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thanh Khê giai đoạn 1954-1975... Quận Thanh Khê còn xây dựng mô hình sa bàn quận trước năm 1975 nhằm tái hiện chính xác hình ảnh quận Thanh Khê trong những năm kháng chiến.

Ông Hồ Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận cho biết, việc trưng bày tư liệu hình ảnh, hiện vật, kỷ vật còn nhằm giáo dục tinh thần yêu nước và góp phần nâng cao nhận thức về truyền thống cách mạng của quận Thanh Khê đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ.

Các  hoạt động kỷ niệm 50 năm (26-12-1968 - 26-12-2018) chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê

- Quận Đoàn Thanh Khê tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ quận Thanh Khê, chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê.

- Hỗ trợ xây nhà, thăm, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thăm, tặng quà cho gia đình các Dũng sĩ Thanh Khê đã mất; thăm, tặng quà cho các dũng sĩ còn sống.

- Kết hợp với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng và công diễn kịch dân ca về chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê.

- Thắp nến tri ân tại Nhà bia ghi tên anh hùng liệt sĩ phường Thanh Khê Đông và giao lưu, tọa đàm nhân chứng sống về sự kiện Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê với các học sinh trên địa bàn quận.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.