.

Những tượng đài bất tử

.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vừa được Bộ VH-TT&DL giao dựng vở tuồng Như những tượng đài, dự kiến ra mắt công chúng Đà Nẵng dịp 29-3 này.

Các nghệ sĩ tập luyện vở Như những tượng đài tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.							         Ảnh: THANH TÂN
Các nghệ sĩ tập luyện vở Như những tượng đài tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: THANH TÂN

Nội dung vở tuồng Như những tượng đài kể về Đoàn văn công giải phóng miền Nam - những người đã tự nguyện cống hiến tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương cho ngày Bắc - Nam sum họp. Tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Chức nói rằng, họ đã ngã xuống vì tự do, độc lập và để lại “những lời ca không tắt” trên đời. Họ chính là những tượng đài bất tử.

Những hình tượng nghệ thuật ám ảnh

Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, vở tuồng để lại những hình tượng nghệ thuật đầy ám ảnh, như hình ảnh người diễn viên chính của đoàn văn công được kể bị cắt lưỡi vẫn diễn, để phô diễn sức mạnh của nghệ thuật truyền thống một cách thuyết phục nhất, đến nỗi một sĩ quan của nhà tù đã giam cầm đoàn văn công ngày ấy phải thốt lên: “Các ông không giết được các chiến sĩ cộng sản đâu, khi những giá trị văn hóa truyền thống đã ngấm vào họ”.

Đến nỗi, cuối cùng chúng phải quyết định giết anh… Bên cạnh đó, Như những tượng đài còn đem đến những rung động sâu xa cho người xem từ những tình cảnh éo le và cả ngọt bùi trong chiến tranh của tình yêu nam nữ, tình cảm vợ chồng, cha mẹ - con cái, anh chị em, đồng chí, đồng đội…

Kịch bản Như những tượng đài xuất phát từ câu chuyện có thật của Đoàn dân ca Quân khu 5B ngày trước. Tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học-nghệ thuật Khánh Hòa vốn là một nhạc công của đoàn, là người từng cùng đồng nghiệp kinh qua những năm tháng ác liệt nhất của chiến trường Khu 5 những năm chống Mỹ.

Vì vậy, tình tiết của kịch bản rất sinh động, gần gũi và đậm tính nghệ thuật. Đề tài hiện đại cùng câu chuyện rất gần với sự ra đời, hoạt động và cả những hy sinh của Đoàn nghệ thuật tuồng Khu 5B, tiền thân của Đoàn nghệ thuật tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng và Đà Nẵng ngày nay, nên đối với tập thể, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, việc dàn dựng vở tuồng ngoài là nhiệm vụ được giao, còn là trách nhiệm với nghề, với lớp cha ông đi trước…

Sân khấu lớn cho diễn viên trẻ

Khi được Bộ VH-TT&DL chọn là đơn vị tuồng duy nhất trên cả nước dựng vở tuồng Như những tượng đài, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xem đây là vinh dự và cũng là nỗi lo lớn.

“Lo nhất là phải làm sao khi vở diễn ra sân khấu phải truyền tải trọn vẹn ý tưởng, thông điệp của kịch bản. Điều này không dễ, bởi giữa kịch bản và sân khấu luôn tồn tại một khoảng cách lớn. Là đơn vị lần đầu tiên đem kịch bản tuồng được đánh giá rất cao này ra sân khấu, chắc chắn sẽ có áp lực, nhưng đây cũng chính là “sân khấu lớn” cho tập thể diễn viên, nhạc công nhà hát, đặc biệt là những diễn viên trẻ có cơ hội đào luyện, thử thách”, ông Trần Ngọc Tuấn nói.

Để hóa giải bớt nỗi lo, từ mấy tháng trước Tết, dù rất bận rộn, nhưng các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã dành thời gian để hoàn thành cơ bản, nhuần nhuyễn những lớp diễn của vở tuồng. Sau Tết là giai đoạn hoàn chỉnh, đến nay mọi công tác chuẩn bị cho ngày công diễn đã hoàn thành đến 80%.

“Chúng tôi hiện chỉ gặp chút vấn đề về chọn sân khấu biểu diễn mở màn, bởi sân khấu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh quá hẹp, không đủ không gian, sân khấu Nhà hát Trưng Vương thì quá rộng, những sân khấu khác thì lo không bảo đảm về âm thanh, ánh sáng…”, ông Tuấn cho hay.

Với kịch bản tuồng Như những tượng đài, tác giả Nguyễn Sỹ Chức đã được bình chọn là tác giả kịch bản sân khấu xuất sắc nhất năm 2014. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là đơn vị tuồng duy nhất trên cả nước được giao dàn dựng vở tuồng này với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Vở diễn dự kiến ra mắt công chúng Đà Nẵng tối 27-3 và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT).

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.