Dạy học bằng cả yêu thương

.

Covid-19 khiến cô giáo trẻ Tôn Lê Phương Dung (Trường THCS Hoàng Sa, quận Sơn Trà) đau đáu về nội dung, chương trình dạy học online nhằm mang lại hiệu quả cho học trò. Bài giảng điện tử cho môn Khoa học tự nhiên lớp 6 mang tên Virus của cô vì thế ra đời sau một thời gian dài ấp ủ, thực hiện. Điều bất ngờ hơn, bài giảng này đã vượt qua gần 43.000 sản phẩm khác, trở thành 1 trong 12 giải Nhất của Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-Learning cấp quốc gia năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động.

Cô Tôn Lê Phương Dung dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi để nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh: PHAN CHUNG
Cô Tôn Lê Phương Dung dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi để nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh: PHAN CHUNG

Là giáo viên trẻ được phân công giảng dạy, công tác tại ngôi trường mang tên Hoàng Sa - địa danh thiêng liêng của Tổ quốc, vì thế khát vọng cống hiến, đổi mới luôn ấp ủ trong suy nghĩ của cô Dung khi đặt chân đến ngôi trường này năm 2016. Điều may mắn chính là tập thể, ban giám hiệu nhà trường là những người còn rất trẻ, và đặc biệt là quan điểm về giáo dục. “Các cô trong ban giám hiệu nhà trường luôn động viên, cổ vũ các thầy cô giáo không ngừng cải tiến, thay đổi tư duy, cách thức giáo dục, chú trọng chủ thể là các em học sinh. Đặc biệt là tăng sự tương tác với các em, làm cho các em mạnh dạn, tự tin và sẵn sàng trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình”, cô Dung chia sẻ.

Những định hướng trong cách tiếp cận, giáo dục từ lãnh đạo nhà trường đã trút bỏ được rất nhiều áp lực cho các giáo viên trẻ khi vừa mới đặt chân về nhận nhiệm vụ dạy học. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học là một trong những hướng đi hoàn toàn mới trong việc nâng cao chất lượng dạy học được các cô, thầy chú ý, nghiên cứu. Đặc biệt, khi Covid-19 xảy ra , chứng kiến cô  trò cùng dạy, cùng học online, ý tưởng về những bài giảng điện tử vốn đang ấp ủ bấy lâu nay trong cô Dung càng trỗi dậy mạnh mẽ. “Ứng dụng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu, không chỉ trong dạy học mà mọi lĩnh vực của đời sống.

Trong dạy học, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin mình muốn chuyển tải kiến thức một cách sinh động, trực quan hơn để các em dễ dàng nắm bắt, hiểu được bản chất của vấn đề. Bên cạnh đó, bài giảng sẽ kích thích tâm lý tò mò, hứng thú, tránh sự nhàm chán”, cô Dung cho biết. Bài giảng điện tử cô Dung thiết kế mang tên Virus thuộc môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Đây là chương trình giáo dục đổi mới của Bộ GD&ĐT, nên để chuyển đổi sang bài giảng điện tử, cô Dung phải mất khá nhiều thời gian.

Sau những giờ dạy học online, cô Dung tranh thủ lên mạng internet để tìm hiểu về cách thiết kế, xây dựng các bài giảng điện tử, cả về nội dung lẫn hình thức và các phần mềm ứng dụng. Do đây là bộ sách thí điểm, triển khai lần đầu trong chương trình của Bộ GD&ĐT nên tư liệu còn rất ít. Cô Dung tự vạch “đề cương” cho bài giảng của mình, vừa bảo đảm đủ, đúng kiến thức vừa tinh gọn, dễ hiểu, sinh động trong cách thể hiện, trình bày. Hàng trăm bài giảng điện tử của các giáo viên trên cả nước được cô xem, đọc, nghiên cứu để học hỏi kinh nghiệm.

“Khi xem các giáo trình điện tử của các thầy cô khác, mình trở nên nhỏ bé rất nhiều, cần phải học hỏi nhiều vì trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các thầy cô rất cao, thêm kiến thức, kinh nghiệm dày dặn nữa. Nên khi xem các bài giảng mẫu thì rất cuốn hút. Đó cũng là điều khiến mình càng cố gắng, đổi mới và cố tạo ra một sản phẩm hoàn thiện nhất”, cô Dung bày tỏ.

Sau hơn 1 tháng tự mò mẫm, nghiên cứu từ nội dung đến kỹ thuật trình bày, bài giảng điện tử Virus thuộc môn Khoa học tự nhiên lớp 6 đã được gửi tham gia Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-Learning cấp quốc gia năm học 2021-2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Đây là cuộc thi được tổ chức 5 năm 1 lần. Nếu trong cuộc thi lần trước chỉ có gần 9.000 bài dự thi, thì trong cuộc thi năm học 2021-2022 con số này đã lên tới gần 43.000.

Điều đó cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đang trở nên phổ biến, cần thiết, trở thành định hướng phát triển, đổi mới của ngành giáo dục. Ưu điểm của bài giảng điện tử Virus chính là dễ hình dung, dễ nhớ, kiến thức gần gũi, cô đọng. Các hình ảnh minh họa sống động, dễ hiểu. Nội dung bài giảng này kết hợp với phần mềm vi tính và trình chiếu trên các công cụ hỗ trợ hiện đại sẽ giúp học sinh dễ dàng hình dung và nắm bắt nhanh, nhớ lâu.

Theo cô Dung, thuận lợi là các em học sinh có thể tự học theo nhu cầu, phụ huynh có thể tìm hiểu, nắm bắt để hỗ trợ các con trong quá trình học tập. Chỉ cần có thiết bị máy tính hoặc máy tính bảng là việc học có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Một điểm nhấn trong các phần của bài học này là các câu hỏi mở để các em đánh giá, cảm nhận, trình bày quan điểm như thế nào về một hay nhiều vấn đề cụ thể. Điều này sẽ giúp các em tương tác tốt, nắm bắt được kiến thức sâu hơn, nhớ lâu hơn.

Sau khi vượt qua gần 43.000 sản phẩm tham gia cuộc thi và trở thành 1 trong 12 giải Nhất, bài giảng điện tử Virus của cô Dung sẽ là “tài sản chung” được Bộ GD&ĐT cập nhật trên hệ thống, trở thành bài giảng được áp dụng cho tất cả các trường học trên cả nước về môn học với cùng bộ sách này.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.