Ai sẽ giúp Gaza bình yên trở lại?

.

Trong bối cảnh thế giới phấp phỏng trước thời điểm Israel chính thức “khai hỏa” cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Dải Gaza, hy vọng mong manh vẫn được nghĩ tới đó là sẽ có bên trung gian đủ sức thuyết phục để ngăn chiến dịch vào phút chót. Nhưng đó sẽ là ai?

Người dân tại thành phố Gaza xếp hàng để lấy nước vào ngày 24-10. Ảnh: AFP
Người dân tại thành phố Gaza xếp hàng để lấy nước vào ngày 24-10. Ảnh: AFP

Trong khi Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Trung Quốc đều muốn góp sức chấm dứt cuộc xung đột Israel-Hamas thì các nước Trung Đông được kỳ vọng sẽ là những bên giúp đẩy nhanh hỗ trợ về nhân đạo và ngoại giao để ngăn nguy cơ lan rộng xung đột trong khu vực.

Vai trò của Qatar?

Trong nhiều năm qua, Qatar, quốc gia nhỏ bé giàu khí đốt, đã tận dùng các mối quan hệ ngoại giao rộng rãi (gồm cả quan hệ với các nhóm như Hamas, Taliban) để đàm phán những vấn đề nhạy cảm trong xung đột quốc tế. Theo Washington Post, việc hai công dân Mỹ được Hamas phóng thích ngày 20-10 là sự kiện đánh dấu lần thứ ba trong hai tháng Qatar đã thành công với vai trò trung gian thúc đẩy đàm phán giữa hai phe đối địch. Trước đó, tháng 9-2023, Qatar giúp phóng thích 5 người Mỹ đã bị Iran bắt giữ.

Kỳ vọng vào vai trò trung gian của Qatar hoàn toàn có cơ sở bởi đây là nước ủng hộ mạnh mẽ người dân Palestine cũng như các phong trào Hồi giáo trong khu vực. Qatar có quan hệ với Hamas từ gần 20 năm trước. Trong quá khứ, Qatar cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Hamas và phong trào Fatah ở Bờ Tây. Năm 2012, Quốc vương Qatar lúc đó là Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani còn trở thành vị nguyên thủ đầu tiên tới thăm Dải Gaza, khu vực do Hamas kiểm soát, và cam kết hỗ trợ hàng trăm triệu USD. Các nhà lãnh đạo Hamas từng ở lại thủ đô Doha (Qatar) trong nhiều năm.

“Có những nỗi lo sợ rất rõ trên toàn Trung Đông là khu vực này sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến lan rộng”, bà Sanam Vakil, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh), bình luận. Bà Vakil nhắc tới nguy cơ xung đột ở Gaza có thể kéo những người Palestine ở những nước khác như Israel, Jordan, Ai cập, Lebanon và thậm chí là Iran, cùng tham chiến. “Các nước Arab vùng Vịnh cũng lo sợ an ninh nội địa của họ sẽ bị ảnh hưởng vì bạo lực lan rộng”, bà Vakil nhấn mạnh.

Khu vực phải dẫn dắt các đàm phán

Thời gian qua đã ghi nhận một số nỗ lực của cộng đồng quốc tế giảm căng thẳng và thúc đẩy đối thoại. Nhiều nước tuyên bố muốn giúp giải thoát các con tin đang bị Hamas bắt giữ, thiết lập hành lang nhân đạo cho công dân Palestine, và hướng tới thỏa thuận ngừng bắn.

Đến nay, Mỹ, Nga, Trung Quốc và nhiều nước châu Âu bày tỏ thiện chí hỗ trợ để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, bà Vakil cho rằng, chính các nước ở Trung Đông phải nắm vai trò dẫn dắt trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán. Vai trò của Mỹ, Trung Quốc và các nhân tố quốc tế khác có thể vẫn rất quan trọng nhưng các nước trong khu vực nên dẫn dắt vấn đề này.

Tháng 3-2023, Trung Quốc thành công khi giúp hai quốc gia đối đầu là Saudi Arabia và Iran xích lại gần nhau. Lần này, Bắc Kinh cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ giải pháp hòa bình giữa Israel và Hamas. Trong cuộc điện đàm ngày 24-10 với người đồng cấp Israel Eli Cohen, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa khẳng định: “Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ mọi điều có lợi cho hòa bình và sẽ nỗ lực hết sức vì sự hòa giải giữa Palestine và Israel”. Tuy nhiên, để làm như vậy, Bắc Kinh cũng thừa nhận họ sẽ cần hợp tác với Ai Cập vốn là quốc gia trong khu vực.

Tương tự, Mỹ cũng là một bên không thể thiếu trong những cuộc đối thoại giữa Israel và Hamas do mối quan hệ thân cận giữa Washington và Tel Aviv. Nhưng để có thể liên lạc với Hamas, Mỹ chắc chắn phải nhờ cậy các bên khác. Trong nhiều thập niên, Mỹ vẫn luôn là bên trung gian quyền lực hàng đầu tại Trung Đông, nhưng gần đây, theo nhận định của chuyên gia Saher Liaqat trên SCMP, Trung Quốc đã có vai trò trung gian đáng kể khác. Với những lợi ích kinh tế tại Israel và uy tín có được thời gian qua, Bắc Kinh đang nổi lên như lựa chọn ưu thế hơn so với Washington trong các nỗ lực trung gian thúc đẩy hòa bình cho Gaza lúc này.

Ai Cập chưa sẵn sàng
Ai Cập là nước duy nhất ngoài Israel có biên giới với Gaza và từ lâu quốc gia này cũng đóng vai trò trung gian trong một số vấn đề giữa người Israel và người Palestine. “Ai Cập là một trong số ít các bên có thể đối thoại với cả hai phía”, học giả Khaled Elgindy của Viện Trung Đông bình luận với Time. Quan điểm của Ai Cập là Palestine và Israel phải tự giải quyết mâu thuẫn với nhau, và người Palestine không nên bị ép buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Tuần này, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nhấn mạnh việc cần phải cho phép hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza, nhưng tuyệt đối không cho các di dân từ Gaza đi qua cửa khẩu Rafah vào Ai Cập. Năm 2008, thời điểm Israel lần đầu áp lệnh phong tỏa Gaza, người dân Palestine tràn vào Ai Cập, và Cairo không muốn việc đó tái diễn. Tuy nhiên, Ai Cập đang đối mặt với sức ép rất lớn từ phương Tây, chủ yếu từ Anh và Mỹ, về việc tiếp nhận các cư dân Gaza. Người Ai Cập vẫn luôn cho rằng, việc cho phép hàng loạt người dân từ Gaza chạy sang nước mình sẽ “làm sống lại ý tưởng nói rằng bán đảo Sinai là quốc gia khác nữa của người Palestine”, nhà khoa học chính trị Mustapha Kamel al-Sayyid của Đại học Cairo bình luận với New York Times.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.