Tiền đề cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung

.

Kỳ vọng về cuộc gặp rất được mong chờ giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu Mỹ và Trung Quốc vào tháng 11-2023 ngày càng rõ ràng hơn khi hai nước đang gấp rút xúc tiến công tác chuẩn bị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11- 2022. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11- 2022. Ảnh: Reuters

Vòng đàm phán kinh tế đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra hiệu quả và thực chất ngày 24-10, cùng với chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Trung Quốc Vương Nghị cuối tuần này, có thể tạo tiền đề cho chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11-2023, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm cách dàn xếp một loạt khác biệt.

Ông Vương Nghị sắp đến Mỹ

Ngày 24-10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến  thăm Washington từ ngày 26 đến 28-10 để “duy trì các kênh liên lạc mở” trong nỗ lực nhằm quản lý việc cạnh tranh song phương một cách có trách nhiệm. Đây sẽ là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông kể từ tháng 9-2022. Theo SCMP, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan. “Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các kênh ngoại giao để thúc đẩy các lợi ích và giá trị của Mỹ, giải quyết các khác biệt và đạt tiến bộ nhất định trong việc giải quyết các thách thức xuyên quốc gia chung”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, trong chuyến thăm này, ông Vương Nghị sẽ đi sâu trao đổi về quan hệ Trung - Mỹ cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm với các quan chức cấp cao Mỹ, giao lưu hữu nghị với giới trí thức của nước này, đồng thời bày tỏ lập trường nguyên tắc và quan ngại chính đáng của Trung Quốc về quan hệ song phương. Bắc Kinh hy vọng, hai nước sẽ thực hiện các đồng thuận quan trọng vốn đạt được giữa nguyên thủ hai nước, tăng cường liên lạc đối thoại, mở rộng hợp tác thực chất, kiểm soát ổn thỏa mọi bất đồng, cùng thúc đẩy quan hệ song phương quay trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định.

Đáng chú ý, chuyến thăm cũng nhằm thảo luận khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11-2023 tại San Francisco (Mỹ). 

Trước đó, theo tiết lộ của Mỹ, đây sẽ là cuộc hội đàm trực tiếp cấp cao nhất trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Trước đó, đầu tháng 10-2023, Washington Post dẫn lời các quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói rằng khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh là “khá chắc chắn” khi giới chức Mỹ đang trong quá trình lập kế hoạch.

Lần gần đây nhất ông Biden và ông Tập Cận Bình gặp nhau là vào tháng 11-2022 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) nhưng đến nay hai nhà lãnh đạo vẫn chưa tiến hành bất kỳ chuyến thăm chính thức nào tới quốc gia của nhau kể từ khi ông Biden nhậm chức. Các chuyến công du nước ngoài của ông Tập Cận Bình luôn thu hút sự dõi theo của dư luận bởi trước đó ông đã không tham dự cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào mùa hè này và hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi cũng như Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9-2023.

Tăng cường kết nối về kinh tế, tài chính

Reuters dẫn tuyên bố từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác kinh tế (EWG) của hai nước có sự trao đổi “sâu sắc, thẳng thắn và mang tính xây dựng”. Cuộc họp trực tuyến đề cập đến các tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và toàn cầu, quan hệ kinh tế song phương và hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu. EWG được thành lập vào tháng 9-2023, cùng với Nhóm công tác tài chính, đóng vai trò là kênh liên tục để thảo luận và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong các vấn đề chính sách kinh tế song phương.

Theo James Chin, Giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Tasmania (Úc), cuộc họp của WEG có thể đề cập đến các tranh chấp công nghệ vì Trung Quốc muốn gây áp lực buộc Washington dỡ bỏ các rào cản. Trong khi đó, Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng, Mỹ đang cố gắng phát tín hiệu cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc. Nhiều khả năng Mỹ có thể tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để “mang lại sự thoải mái hơn” cho châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản, vốn là những đối tác thương mại của Trung Quốc.

Tiếp nối sự thành công của EWG, Nhóm công tác tài chính sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 25-10. Thực tế, bất chấp sự cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu đối với các bộ xử lý đồ họa Nvidia và Intel (Mỹ) dành riêng cho Trung Quốc tuần trước có khả năng làm suy yếu nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của Bắc Kinh, căng thẳng kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu giảm nhiệt.

Trung Quốc cam kết góp phần hòa giải Israel - Palestine
Ngày 24-10, Reuters cho biết, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Israel Eli Cohen, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, nước này sẽ làm hết sức để đóng góp vào sự hòa hợp giữa Israel và Palestine. Bắc Kinh sẽ ủng hộ mọi nghị quyết miễn là dẫn đến hòa bình. Ông cũng yêu cầu Tel Aviv có biện pháp hiệu quả trong việc bảo vệ công dân và các cơ quan Trung Quốc ở Trung Đông, đồng thời  nhấn mạnh “mọi quốc gia đều có quyền tự vệ nhưng họ nên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ sự an toàn của thường dân”. Bên cạnh đó, quan chức này còn điện đàm với Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki. Trung Quốc kêu gọi việc mở hội nghị hòa bình quốc tế có thẩm quyền cao, phạm vi rộng và hiệu quả hơn để giải quyết xung đột.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.