Căng thẳng xung quanh vụ máy bay Mỹ rơi ở Biển Đen

.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Nga sau vụ máy bay không người lái (UAV) của Mỹ rơi xuống Biển Đen ngày 14-3. Đến nay, hai bên vẫn đưa ra những tuyên bố trái ngược về sự vụ này.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper tại căn cứ quân sự Fort Huachuca, bang Arizona (Mỹ). Ảnh: Getty Images
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper tại căn cứ quân sự Fort Huachuca, bang Arizona (Mỹ). Ảnh: Getty Images

Mỹ cho biết, máy bay chiến đấu của Nga va chạm với chiếc UAV của Mỹ trên Biển Đen và các lực lượng Mỹ sau đó đã phải để nó rơi xuống vùng biển quốc tế. Trong khi đó, Nga khẳng định, máy bay của mình không hề tiếp xúc với UAV này.

Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ

Vụ việc được Mỹ và Nga nhìn nhận dưới góc độ khác nhau. TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, sáng 14-3, hệ thống kiểm soát không phận của Nga phát hiện UAV MQ-9 Reaper của Mỹ bay qua Biển Đen gần bán đảo Crimea theo hướng biên giới nhà nước của Liên bang Nga.

UAV bay khi tắt bộ tiếp sóng, vi phạm ranh giới của chế độ không phận tạm thời được thiết lập cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. UAV thực hiện chuyến bay không có hướng dẫn, mất độ cao và va chạm với mặt nước. “Các phi công Nga đã hành động rất chuyên nghiệp. Máy bay Nga không sử dụng vũ khí trên khoang, không tiếp xúc với thiết bị bay không người lái và đã trở về sân bay an toàn”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu. 

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cho rằng, một trong hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga va phải cánh quạt của UAV khiến nó lao xuống Biển Đen. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mỹ sau vụ việc. Bộ Quốc phòng Mỹ đang giải mật hình ảnh từ vụ việc.

Theo các phương tiện truyền thông xã hội, hải quân Nga đã tìm cách trục vớt một số bộ phận của chiếc UAV, trong khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cố gắng quan sát từ các máy bay giám sát của mình. Quân đội Mỹ mô tả UAV MQ-9 như nền tảng “Tình báo, giám sát và trinh sát” (ISR) nhưng thực ra UAV thường được sử dụng trong các nhiệm vụ tấn công mặt đất bởi hệ thống vũ khí nó có thể mang theo.

UAV Mỹ do thám giúp Ukraine trước khi rơi?

Vụ UAV thu hút sự chú ý bởi nó diễn ra ở thời điểm nhạy cảm khi căng thẳng Mỹ - Nga leo thang giữa lúc xung đột ở Ukraine chưa hạ nhiệt. Điều đáng nói là sự vụ này xảy ra ở khu vực vô cùng nhạy cảm. Theo RT, cả hai bên đều không đưa ra bất kỳ tọa độ nào của hiện trường.

Mỹ lập luận, chiếc UAV hoạt động trong không phận quốc tế trên Biển Đen nhưng Nga cho biết UAV bay trong không phận tạm thời được Moscow thiết lập cho chiến dịch quân sự đặc biệt vốn đã được thông báo với các bên sử dụng không phận quốc tế. Theo truyền thông Nga, vị trí của máy bay không người lái Mỹ khi đó ở vào khoảng 60km về phía tây nam của cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea.

Câu hỏi được dư luận đặt ra lúc này: Tại sao UAV của Mỹ xuất hiện ở đó? TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, chiếc UAV đang thu thập dữ liệu tình báo để Mỹ chuyển cho Ukraine nhằm giúp Kiev tấn công các mục tiêu ở Nga. Ông Antonov nhấn mạnh, hành động của quân đội Mỹ ở khu vực gần biên giới Nga là không thể chấp nhận.

RT cũng cho biết, Mỹ và NATO đã tăng cường giám sát Nga ở cả Biển Baltic và Biển Đen sau khi xung đột ở Ukraine xảy ra. Washington đã cung cấp cho Kiev thông tin tình báo trong khi vẫn khẳng định họ không trực tiếp tham gia xung đột. Trong khi đó, Vox dẫn lời Tổng Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết, việc các UAV của Mỹ hoạt động trong không phận quốc tế không phải là nhiệm vụ bất thường.

Ông Antonov chỉ trích hoạt động của UAV ở Biển Đen ngày 14-3 dẫn đến việc nó rơi xuống biển là hành động khiêu khích. Song, quan chức này nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, điều quan trọng là các đường dây liên lạc nên được mở. Nga không tìm kiếm sự đối đầu và luôn ủng hộ hợp tác thực tế vì lợi ích của người dân của các bên”.

Giới quan sát nhận định, sự vụ này như lời nhắc nhở khác về những rủi ro leo thang tiềm ẩn gắn liền với tình hình tại Ukraine. Hiện, cả Mỹ và Nga có lập trường khác biệt về cách giải quyết và đây là dấu hiệu đáng lo ngại. Nhiều diễn biến có thể xuất hiện trong những ngày tới để có thể mang đến cái nhìn toàn diện hơn về sự vụ này.

Đây không phải là lần đầu tiên hai nước xảy ra sự cố kiểu này. Theo Al Jazeera, trước đó, đã xảy ra một số lần lực lượng Nga và Mỹ “chạm trán” ở cả Biển Đen và Thái Bình Dương. Đáng chú ý, năm 2020, Nga sửa đổi quy tắc sử dụng vũ khí với máy bay vi phạm không phận, cho phép lực lượng bảo vệ không phận Nga sử dụng vũ khí để bắn hạ máy bay không xác định danh tính vi phạm biên giới trên không của Nga chỉ trong trường hợp trên máy bay không có hành khách hoặc con tin.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.