Mỹ, Anh, Úc cụ thể hóa thỏa thuận AUKUS

.

Mỹ sẽ chi 4,6 tỷ USD trong 5 năm tới để mở rộng năng lực sản xuất, bảo dưỡng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như một phần trong Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) .

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Anh Rishi Sunak (bên phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại căn cứ hải quân Point Loma ngày 13-3 tại San Diego (Mỹ). Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Anh Rishi Sunak (bên phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại căn cứ hải quân Point Loma ngày 13-3 tại San Diego (Mỹ). Ảnh: AP

Chi tiết cụ thể của thỏa thuận được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào ngày 12-3 tại căn cứ hải quân ở San Diego với sự có mặt của lãnh đạo Anh, Úc. Đây là động thái cụ thể hóa sau 18 tháng các bên liên quan tuyên bố thiết lập AUKUS. Bản kế hoạch gồm 4 giai đoạn cho phép Úc tiếp cận công nghệ hạt nhân của Mỹ vốn trước đây chỉ dành cho Anh - đồng minh thân cận nhất. Thủ tướng Úc Anthony Albanese gọi bản kế hoạch là khoản đầu tư độc lập lớn nhất cho năng lực quốc phòng trong lịch sử nước này.

Lộ trình cụ thể hơn

“Nước Mỹ không thể tìm đâu ra những đối tác tốt hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà quá nhiều điều trong tương lai chung của chúng ta sẽ được viết ở đây. Tôi tự hào là những người trên cùng một thuyền với các bạn”, Tổng thống Joe Biden phát biểu tại bến tàu ở San Diego.

Theo USA Today, thỏa thuận sẽ cung cấp cho Úc hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân có khả năng hoạt động dưới nước lâu hơn so với tàu ngầm truyền thống và cũng khó bị phát hiện hơn. Sau khi được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, Washington sẽ bán cho Úc ít nhất 3 (có thể lên tới 5) tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia sau khi hải quân Úc được huấn luyện sử dụng chúng. Trong những năm sau đó, Anh và Úc sẽ tự đóng các tàu có công nghệ tân tiến với sự giúp đỡ của Mỹ. Theo lộ trình này, những chiếc tàu ngầm hạt nhân mới đầu tiên của Úc dự kiến hoàn tất vào cuối thập niên 2030, và nước này sẽ tiếp nhận chúng  vào đầu thập niên 2040. Tương tự, số tàu ngầm trong hạm đội của Anh dự kiến tăng gấp đôi theo thỏa thuận. Tàu ngầm lớp Virginia được thiết kế như chiến hạm đa năng có khả năng chiến đấu, thu thập thông tin tình báo, triển khai người nhái và phóng tên lửa hành trình.

Theo Guardian, Úc công bố kế hoạch mua tới 8 tàu ngầm hạt nhân với tổng chi phí dự tính lên tới 368 tỷ USD từ nay tới giữa những năm 2050. Trong 4 năm tới, Úc sẽ tốn hơn 9 tỷ USD cho kế hoạch này.

Kế hoạch quá tham vọng?

Để hiện thực hóa AUKUS, Mỹ và Anh sẽ phải mở rộng năng lực sản xuất tàu ngầm trong khi Úc sẽ phải xây dựng năng lực tự đóng tàu. Anh dự kiến đóng tàu ngầm đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS vào cuối thập niên 2030. Ba nước bắt đầu xúc tiến huấn luyện chung. Các thủy thủ Úc sẽ tăng cường tham gia tập luyện chung với lực lượng của Mỹ và Anh, cùng với các lớp học về hạt nhân, đồng thời tới làm việc tại các xưởng đóng tàu của Mỹ. Sau khi Úc hoàn thiện năng lực để tiếp đón tàu ngầm của Mỹ và Anh, các nước này sẽ luân phiên điều động lực lượng giữa các bên. “Lần đầu tiên, ba hạm đội tàu ngầm sẽ làm việc với nhau trên toàn Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, giữ cho các đại dương tự do, rộng mở và thịnh vượng trong những thập niên tới đây”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói.

Trong mắt giới quan sát, dường như không có gì phải bàn cãi về mục đích ra đời của thỏa thuận tàu ngầm này giữa ba nước khi Trung Quốc thường xuyên được nhắc tới trong những quan điểm đánh giá, bình luận về AUKUS. Tuy nhiên, ông Charles Edel, chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đặt vấn đề: Liệu tiến độ đóng tàu có đủ nhanh để giúp các bên tham gia thỏa thuận có thể tự nâng cao năng lực răn đe về quân sự như họ kỳ vọng?. Không chỉ về sản xuất, những đòi hỏi về huấn luyện, bảo trì tàu ngầm hạt nhân… cũng đặt ra nhiều thách thức. “Đây có vẻ sẽ là chương trình quá mức tham vọng. Để hiện thực hóa dự định táo bạo này, chính phủ của ba nước cần đối ứng giữa các nguồn lực của họ với các mục tiêu, tính tới ngân sách và mức độ ủng hộ của lưỡng đảng với sáng kiến này ở từng nước”, ông Edel lưu ý.

Trung Quốc chỉ trích AUKUS vì nó vi phạm tinh thần của hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân và các công nghệ vũ khí. Tuy nhiên, Úc khẳng định, các tàu ngầm này chỉ chạy bằng năng lượng hạt nhân chứ không được trang bị vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh: “Những tàu này sẽ không có bất cứ loại vũ khí hạt nhân nào trên đó”. Dù thế, nhiều chuyên gia hạt nhân cũng bày tỏ lo ngại về cuộc đua vũ khí hạt nhân với sự ra đời của AUKUS. Hiện, chỉ có 6 nước sở hữu tàu ngầm hạt nhân, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ và Anh.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.