Quốc tế

Syria sớm quay trở lại thế giới Arab?

09:19, 28/02/2023 (GMT+7)

Từ cuối tháng 12-2010 đến đầu năm 2011, hàng loạt cuộc chính biến, lật đổ chính quyền ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông bùng nổ. Sau các sự vụ ở Tunisia và Ai Cập, hiệu ứng domino bắt đầu lan rộng ra hầu hết các nước Arab với tên gọi chung “Mùa xuân Arab”. Tuy nhiên, sự kiện này chẳng những không mang lại hòa bình, thịnh vượng mà còn dẫn đến xung đột, đói khổ và tình trạng khủng bố cực đoan gia tăng, khiến hàng chục triệu người phải rời bỏ quê hương đi tị nạn.

Đặc biệt, tại Syria, chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad lúc bấy giờ quyết tâm chống lại lực lượng đối lập đang thực hiện cuộc “cách mạng màu” do Mỹ và các nước phương Tây khác ủng hộ nên phải trả cái giá rất đắt. Trong suốt 13 năm qua, chính quyền hợp pháp do dân bầu ra của Tổng thống Al-Assad phải kiên cường chống lại sự phá hoại trên khắp đất nước do hai tổ chức khủng bố Al-Qaeda và IS thực hiện.

Thậm chí, năm 2013, viện cớ chính quyền Tổng thống Al-Assad tấn công vũ khí hóa học, Mỹ tiến hành can thiệp quân sự và lập liên minh quân sự, trong đó có một số nước ở Trung Đông, nhằm ủng hộ phe đối lập để chống chính quyền Syria. Không những vậy, Syria phải đương đầu với chính sách bao vây, cấm vận khắc nghiệt về chính trị, kinh tế, quân sự do Mỹ đứng đầu nhằm làm cho chính quyền của Tổng thống Al-Assad bị cô lập hoàn toàn.

Với sự ủng hộ của Nga và các nước bè bạn, Syria đã kiên cường chiến đấu, từng bước tiêu diệt Al-Qaeda và IS, đẩy lực lượng đối lập vào thế suy yếu, nhanh chóng kiểm soát nhiều vùng đất rộng lớn, củng cố bộ máy chính quyền, lập lại trật tự xã hội, đưa hàng triệu người dân tị nạn ở nước ngoài trở về quê nhà. Thực tế này cho thấy, dù Mỹ và các đồng minh muốn đưa Syria đi theo quỹ đạo của mình, nhưng chính quyền hợp pháp của Tổng thống Al-Assad đã đứng vững trước mọi thử thách và từng bước củng cố vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

Đáng chú ý, nghị quyết của hội nghị lần thứ 34 Liên minh nghị viện Arab (APU) tại thủ đô Baghdad (Iraq) ngày 25-2, nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Syria trở lại Liên đoàn Arab (AL). Syria đã mất tư cách thành viên AL sau làn sóng biểu tình chống chính phủ nước này hồi năm 2011. Kể từ đó, nước này không tham gia các hội nghị thượng đỉnh AL hoặc các sự kiện của APU. Phái đoàn chủ tịch quốc hội các nước Ai Cập, Iraq, Jordan, Palestine, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Libya, cùng với đại diện chính quyền Oman và Lebanon, tới Syria ngày 26-2. Đây là chuyến thăm đầu tiên của phái đoàn APU tới Syria trong hai thập niên qua, cho thấy quan hệ giữa Damascus với nước Arab đang “tan băng” sau nhiều năm bị cô lập.

Ngay sau vụ động đất thảm khốc xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6-2, nhiều nước trong khu vực đã nhanh chóng thể hiện sự hậu thuẫn về chính trị, tài chính và nhân đạo cho Syria để cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp sau động đất. Một số nước Arab tận dụng dịp này để khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao và hợp tác song phương, đa phương với Syria.

Ngày 27-2, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tới Syria trong chuyến thăm đầu tiên của quan chức Ai Cập tới Damascus kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Syria hồi năm 2011. Ai Cập cũng cử tàu hải quân chở hàng trăm tấn hàng cứu trợ, lực lượng cứu hộ, cùng các máy bay quân sự chở hàng viện trợ nhân đạo, vật tư y tế và lều bạt tới Syria để hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất. Tương tự, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đến Damascus để thể hiện tình đoàn kết và bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Syria sau thảm họa động đất.

Những diễn biến trên được xem là tín hiệu tích cực được gởi đi từ các nước trong khu vực để Syria sớm quay trở lại thế giới Arab, đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy tiến trình hòa bình ở quốc gia này, qua đó góp phần làm cho “chảo lửa Trung Đông” giảm đi một điểm nóng xung đột kéo dài suốt 13 năm qua.

TUYẾT MINH

.