Thế giới có hơn 930.000 người mắc Covid-19

.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại về số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh chóng trên toàn cầu và cho rằng con số này sắp vượt mốc 1 triệu người.

Các nhân viên y tế đưa bệnh nhân Covid-19 đến một bệnh viện dã chiến ở thành phố Cremona của Ý. 			                              Ảnh: Getty Images
Các nhân viên y tế đưa bệnh nhân Covid-19 đến một bệnh viện dã chiến ở thành phố Cremona của Ý. Ảnh: Getty Images

Một vài tháng trước, nhiều nơi trên thế giới không mấy quan tâm Covid-19. Nhưng giờ đây, đại dịch xuất hiện ở hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ với hơn 938.000 ca nhiễm và 47.000 ca tử vong. Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 1-4 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ: “Chúng ta đang bước vào tháng thứ tư kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tôi quan ngại sâu sắc về sự lây lan virus nhanh chóng trên toàn cầu”, ông Tedros nói và cho rằng số ca nhiễm trong một vài ngày tới sẽ vượt mốc 1 triệu người, trong đó có 50.000 người tử vong.

Hỗ trợ các nước đang phát triển

Báo Business Insider dẫn lời ông Tedros nhấn mạnh cần hỗ trợ các nước đang phát triển (trong đó có các nước ở châu Phi, Trung Mỹ và Nam Á) nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu tác động đối với kinh tế, xã hội, chính trị. Người đứng đầu WHO kêu gọi các chính phủ đưa ra những biện pháp về phúc lợi xã hội. Chẳng hạn, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá 24 tỷ USD trong vòng 3 tháng, bao gồm trợ cấp tiền mặt trực tiếp và bảo đảm an ninh lương thực, nhằm hỗ trợ người dân nghèo bị ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa cả nước.

Theo hãng AFP, nhiều nước đang áp dụng lệnh phong tỏa hoặc giới nghiêm nhằm ngăn chặn virus lây lan. Ý phong tỏa cả nước từ ngày 9-3 đến 3-4, nhưng Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết biện pháp này sẽ được duy trì đến ít nhất ngày 13-4. Ý ghi nhận 727 ca tử vong mới - số ca tử vong thấp nhất trong vòng 6 ngày qua, nâng tổng số người chết lên hơn 13.100. Song, số ca nhiễm mới vẫn cao (4.800 ca), nâng tổng số ca nhiễm ở Ý lên hơn 110.500 người.

Anh cũng thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, đóng cửa nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đối mặt với những chỉ trích vì có quá ít máy thở và ít thực hiện xét nghiệm. Theo Reuters, hiện Anh tiến hành xét nghiệm khoảng 13.000 người/ngày và chính phủ dự kiến nâng gấp đôi con số này vào giữa tháng 4. Trong khi đó, Đức xét nghiệm khoảng 500.000 người/tuần.

Mỹ đối mặt “những ngày khó khăn”

Ngày 1-4 (giờ Washington), Mỹ ghi nhận 884 ca tử vong trong vòng 24 giờ, kỷ lục mới về số người chết do Covid-19 ở cường quốc này, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 5.100 người và có hơn 216.000 người nhiễm, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Đến nay, Mỹ có số ca tử vong nhiều thứ ba thế giới, sau Ý và Tây Ban Nha, nhưng cao hơn Trung Quốc đại lục. Bệnh nhân trẻ tuổi nhất tử vong là một trẻ 6 tuần tuổi ở bang Connecticut.

Số ca nhiễm ở New York (Mỹ) từ ngày 17-3 đến 1-4.   			                                      Đồ họa: MAI ANH
Số ca nhiễm ở New York (Mỹ) từ ngày 17-3 đến 1-4. Đồ họa: MAI ANH

Tổng thống Donald Trump dù trấn an người dân rằng nước Mỹ sẽ vượt qua đại dịch, nhưng ông thừa nhận thiết bị bảo hộ cá nhân và vật tư y tế trong kho dự trữ liên bang gần cạn kiệt. “Những ngày khó khăn ở phía trước với đất nước chúng ta”, ông Trump nói và cho rằng tình hình trong vài ngày tới sẽ trở nên khủng khiếp. Đáng lo ngại, theo Giám đốc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield, 25% số bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng.

Bang New York là tâm dịch lớn nhất ở Mỹ với hơn 83.700 ca nhiễm và 1.374 ca tử vong. Những hình ảnh từ thành phố New York cho thấy các thi thể được chất lên xe tải đông lạnh ở bên ngoài những bệnh viện vốn đã quá tải. Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết, chính quyền đang bàn thảo với các khách sạn để bổ sung thêm 65.000 giường bệnh từ nay đến cuối tháng 4. Trong khi đó, theo Thống đốc New York Andrew Cuomo, các dự báo cho thấy khủng hoảng ở bang này sẽ lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 4 và tỷ lệ tử vong cao tiếp tục kéo dài đến tháng 7.

Khoảng 30 bang của Mỹ đã ban hành lệnh không ra khỏi nhà đối với tất cả người dân, trừ những người làm việc trong các ngành thiết yếu. Đến nay, hơn 75% dân số Mỹ được đặt trong tình trạng phong tỏa.
Dù áp dụng các biện pháp mạnh mẽ chưa từng có, nhưng các chuyên gia y tế của Nhà Trắng dự đoán khoảng 100.000 - 240.000 người Mỹ có thể chết vì Covid-19.

Triều Tiên chưa có ca mắc Covid-19

Hãng AFP dẫn lời Giám đốc Cơ quan chống dịch bệnh của CHDCND Triều Tiên Pak Myong Su khẳng định, nước này chưa có ca mắc Covid-19 và những nỗ lực của chính phủ trong việc ngăn chặn dịch bệnh hoàn toàn thành công. Khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, Triều Tiên nhanh chóng đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.