Dịch nCoV tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu

.

Giá dầu thế giới chạm mức thấp nhất trong hơn một năm qua khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang lan ra toàn cầu với hơn 1.000 người chết và 43.000 người mắc bệnh. Nhiều chuyên gia cảnh báo tác động mạnh mẽ của dịch nCoV đến các nền kinh tế.

Các chuyên gia IMF lo ngại nCoV ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản.  Trong ảnh: Nhà máy sản xuất ô-tô của Công ty Honda Motor (Nhật Bản) tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hồi tháng 4-2019.
Các chuyên gia IMF lo ngại nCoV ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất ô-tô của Công ty Honda Motor (Nhật Bản) tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hồi tháng 4-2019.

Hãng tin Bloomberg cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 10-2, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm xuống 49,57 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 7-1-2019. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 1,2 USD, đóng cửa ở mức 53,27 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 28-12-2018. Nhiều công ty như Vitol SA, Royal Dutch Shell Plc và Litasco SA tìm thuê tàu lưu trữ dầu thô ở ngoài biển trong vài tuần hoặc vài tháng do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ bị dư thừa quá mức.

Kinh tế Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn ước tính

Các công ty ở Trung Quốc đã trở lại hoạt động sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Hơn 300 công ty cần vay tổng cộng 8,2 tỷ Nhân dân tệ (NDT - tương đương 57,4 tỷ USD) để đối phó với sự gián đoạn do phong tỏa các thành phố, đóng cửa nhà máy, tê liệt nguồn cung ứng. Trong số những công ty đang tìm kiếm nguồn vay có cả những “ông lớn” như: tập đoàn Meituan Dianping cung cấp các dịch vụ ăn uống qua ứng dụng, nhà sản xuất smartphone Xiaomi Corp, Didi Chuxing Technology Co - ứng dụng gọi xe lớn nhất ở Trung Quốc.

Các ông chủ bắt đầu sa thải lao động. Công ty Xinchao Media cho 500 người nghỉ việc. Chuỗi nhà hàng Xibei đang lo lắng làm sao trả lương cho 20.000 lao động.

Các nhà phân tích của dịch vụ tài chính JPMorgan có trụ sở ở New York (Mỹ) hạ thấp dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 1, đồng thời cho rằng thiệt hại kinh tế của cường quốc châu Á này lớn hơn so với ước tính. Các nhà chức trách Trung Quốc khẳng định sẽ đưa ra các giải pháp để kích cầu kinh tế, ổn định việc làm.

Bắc Kinh đã bơm 1.200 tỷ NDT (171 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để duy trì hoạt động của thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, theo giới phân tích tại Ngân hàng đầu tư Nomura, dịch nCoV tác động mạnh mẽ đến kinh tế Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2. Công ty nghiên cứu Canal dự đoán doanh số smartphone của Trung Quốc sẽ giảm một nửa trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, còn công ty nghiên cứu công nghệ IDC dự báo tỷ lệ giảm là 30%.

Các nhà sản xuất trên khắp thế giới vốn phụ thuộc vào Trung Quốc để duy trì chuỗi cung ứng. Các chuyên gia lo ngại, các nhà máy trên toàn cầu có thể ngừng hoạt động nếu nhiều nhà máy ở Trung Quốc vẫn đóng cửa trong tuần tới. Tác động rõ nhất là các nhà máy ô-tô bởi phụ thuộc vào quy mô lớn của ngành công nghiệp phụ tùng ô-tô Trung Quốc.

Tháng 4, IMF sẽ dự báo tăng trưởng toàn cầu

Đối với Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, nCoV có thể ảnh hưởng đến du lịch, bán lẻ và xuất khẩu của nước này. Ông Paul Cashin, Trưởng đại diện IMF tại Nhật Bản nói với Reuters: “Sự lây lan của nCoV có nguy cơ bất lợi đối với nền kinh tế Nhật Bản, mặc dù tác động kinh tế phụ thuộc vào mức độ lây của dịch và các chính sách đối phó”.

Theo ông Cashin, nCoV có thể gây tổn hại đến sản lượng của các công ty Nhật Bản và phá vỡ chuỗi cung ứng. Song, vị quan chức IMF không ước tính cụ thể tác động đối với tăng trưởng của Nhật Bản như thế nào, chỉ nói rằng cơ quan này sẽ đưa ra dự báo toàn cầu vào tháng 4 tới.

Hãng Reuters cũng dẫn một khảo sát cho hay, nCoV còn tác động đến các cửa hàng và khách sạn của Nhật Bản, bởi trong số khách du lịch đến Nhật Bản, những người tới từ Trung Quốc chiếm 30%.
Tại Mỹ, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng, còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của nCoV đối với nền kinh tế của nước này.

Ngày 4-2, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nhận định, tác động đến nền kinh tế Mỹ sẽ rất ít. Tuy nhiên, theo Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng Phố Wall, nCoV chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau cảnh báo, nCoV không những tác động đáng kể đến tăng trưởng toàn cầu, mà còn ảnh hưởng đối với nền kinh tế quốc gia Bắc Mỹ này, cụ thể làm gián đoạn ngành du lịch, chuỗi cung ứng, giảm giá hàng hóa.

Dịch nCoV có thể lên đỉnh điểm trong tháng 2

Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 11-2, ông Zhong Nanshan, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc cho rằng, dịch nCoV có thể lên đến đỉnh điểm vào giữa hoặc cuối tháng 2 này. Ông Zhong Nanshan cho rằng, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở Vũ Hán là cần thiết và Trung Quốc nên cấm buôn bán động vật hoang dã vĩnh viễn.
Dự báo nói trên được đưa ra dựa theo diễn biến dịch bệnh trong những ngày gần đây và hành động của chính phủ Trung Quốc. Ông Zhong Nanshan nổi tiếng thế giới với vai trò trong việc chống lại dịch hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.