Các cuộc gặp vì lợi ích ở Vladivostok

.

Vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là nội dung chính trong các cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Vladimir Putin với các nhà lãnh đạo châu Á, bắt đầu từ ngày 10-9 tại thành phố Vladivostok của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vladivostok. 				Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vladivostok. Ảnh: AP

Một tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 diễn ra ở Bình Nhưỡng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon có mặt tại Vladivostok, thành phố vùng Viễn Đông của Nga, để tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông từ ngày 11 đến 13-9. Sự kiện này là dịp để Nga thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với châu Á trong lúc quan hệ giữa Moscow với phương Tây rơi vào khủng hoảng.

Báo Daily Mail cho biết, tại các cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Điện Kremlin cũng sẽ bàn thảo với các đối tác then chốt trong khu vực về cách tiếp cận kịch tính giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Cuối tuần qua, một nghị sĩ Nga cho hay, ông Kim Jong-un cũng được mời đến Vladivostok nhưng nhà lãnh đạo này sẽ không có mặt.

Có nhiều cuộc gặp đang thu hút sự quan tâm của báo giới và các nhà quan sát, đó là các cuộc hội đàm riêng rẽ giữa Tổng thống Vladimir Putin với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Báo Daily Mail dẫn lời ông Yuri Ushakov, cố vấn của Tổng thống Nga cho hay, Thủ tướng Abe gặp gỡ người đứng đầu Điện Kremlin vào tối 10-9 để bàn về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, việc ký kết Hiệp định hòa bình Nhật - Nga và cả vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hội đàm giữa Tổng thống Putin với nhà lãnh đạo Trung Quốc - cuộc gặp thứ ba trong năm nay - dự kiến vào ngày 11-9 và hội đàm với Thủ tướng của xứ sở kim chi vào ngày 12-9.

Nga và Trung Quốc có đường biên giới với CHDCND Triều Tiên. Hai nước là đồng minh của Bình Nhưỡng trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Cả Moscow lẫn Bắc Kinh đều ủng hộ việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và tuân thủ các nghị quyết trừng phạt của cộng đồng quốc tế chống lại Bình Nhưỡng nhưng bác bỏ đe dọa sử dụng hành động quân sự mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi năm ngoái.

Nhật Bản hiện được đánh giá có vai trò quan trọng hơn trong vấn đề Triều Tiên, theo nhận định của Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) Suh Hoon ngày 10-9. Vì vậy, chuyến công cán đến Nga lần này của Thủ tướng Abe mang nhiều ý nghĩa, vừa phục vụ lợi ích trước mắt và lâu dài, vừa là lợi ích kinh tế và chính trị, trong đó ngoài việc cải thiện quan hệ với Moscow, còn có việc thúc đẩy vai trò của Tokyo trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Lúc này, ông Abe cũng lo ngại cuộc tập trận quy mô lớn của Nga (có sự tham gia của Trung Quốc) sẽ ảnh hưởng đến hòa bình khu vực.

Trong lúc đó, đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông hiện diện ở Vladivostok vào ngày 11 và 12-9. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự diễn đàn kinh tế thường niên do Nga chủ trì.

Còn với Hàn Quốc, quốc gia láng giềng với CHDCND Triều Tiên vẫn đang tìm kiếm “làn gió ngoại giao” sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12-6 vừa qua tại Singapore. Nhà phân tích chính trị Fyodor Lukyanov cho rằng, nếu Hàn Quốc muốn bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên, Seoul rất cần sự hỗ trợ về ngoại giao ở khu vực. Mặc dù Nga chưa bao giờ có vai trò hàng đầu trong vấn đề Triều Tiên, nhưng theo ông Lukyanov, tại sự kiện ở Vladivostok, tiếng nói của Moscow sẽ là trọng tâm.

Tuy nhiên, theo nhà sử học Andrei Lankov tại Đại học Kookmin (Hàn Quốc), vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dường như không phải là nội dung chính ở Vladivostok. Không như Trung Quốc, trong 30 năm qua, Nga không hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên. Sự hỗ trợ của Moscow đối với Bình Nhưỡng “hoàn toàn mang tính biểu tượng”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.