Quốc tế

Mỹ đưa thêm 3.000 binh sĩ đến Afghanistan

07:58, 28/09/2017 (GMT+7)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói rằng, Washington sẽ đưa thêm 3.000 binh sĩ đến Afghanistan nhằm huấn luyện lực lượng an ninh của quốc gia Nam Á này chống lại Taliban và các nhóm chiến binh khác.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái), Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tham dự cuộc họp báo chung tại dinh tổng thống ở Kabul ngày 27-9. 							              Ảnh: AP
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái), Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tham dự cuộc họp báo chung tại dinh tổng thống ở Kabul ngày 27-9. Ảnh: AP

Chuyến công cán của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Afghanistan ngày 27-9 diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược mới với Kabul, cam kết thúc đẩy chiến dịch quân sự chống lại lực lượng nổi dậy Taliban. Tại đây, ông Mattis nói rằng, Mỹ sẽ điều thêm 3.000 binh sĩ đến Afghanistan để giúp huấn luyện lực lượng an ninh của nước này chống lại Taliban và các nhóm chiến binh khác.

Kế hoạch được ông Trump công bố trước đó cũng đề cập con số này, nâng tổng số lực lượng mặt đất của Mỹ có mặt ở Afghanistan lên hơn 11.000 binh sĩ. Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có khoảng 5.000 binh sĩ được triển khai trên khắp Afghanistan. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đến Kabul ngày 27-9.

Hãng AP cho biết, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống nước chủ nhà Ashraf Ghani, Bộ trưởng Mattis và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cam kết tiếp tục ủng hộ Afghanistan, sẽ làm mọi việc để nước này “không trở lại là nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố quốc tế”.

Ông Stoltenberg bày tỏ, NATO nhận thức được “cái giá của việc ở lại Afghanistan, nhưng cái giá của việc rời khỏi nơi đây thậm chí còn cao hơn”. Lãnh đạo NATO nhấn mạnh: “Nếu lực lượng NATO rút quân quá sớm, Afghanistan có nguy cơ trở lại một đất nước hỗn loạn và một lần nữa là nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố quốc tế”. Ông Stoltenberg cũng khẳng định cam kết của NATO trong việc tiếp tục cung cấp khoảng 1 tỷ USD/năm cho lực lượng an ninh và phòng vệ của Afghanistan.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng Mattis muốn nhắc nhở Taliban rằng, con đường duy nhất cho hòa bình và tính hợp pháp chính trị của nhóm này là thông qua thỏa thuận được đàm phán. Ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh: Mỹ ủng hộ những nỗ lực hòa giải do Afghanistan dẫn đầu như một giải pháp đối với xung đột. “Taliban càng sớm nhận ra họ không thể chiến thắng bằng bom thì sự chết chóc sẽ càng sớm chấm dứt”, ông Mattis nói.

Tuy nhiên, những người chỉ trích hoài nghi việc Mỹ tăng quân có hoàn thành những mục tiêu mà các binh sĩ của cường quốc này có mặt trước đó ở Afghanistan không thể làm được hay không. Hiện có khoảng 8.400 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Afghanistan, hầu hết làm nhiệm vụ cố vấn cho lực lượng nước sở tại nhưng một số lại liên quan đến các hoạt động chống Taliban.

Tháng 10 tới đánh dấu 16 năm diễn ra cuộc chiến ở Afghanistan. Mỹ đang thúc giục các đối tác trong NATO gia tăng lực lượng để giúp Afghanistan giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Taliban và IS. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nói thêm rằng, hơn 15 thành viên của khối đã thống nhất điều thêm binh sĩ cho quốc gia Nam Á này.

Quân nổi dậy Taliban không những thề biến Afghanistan trở thành “nghĩa trang” cho lực lượng nước ngoài mà còn gây ra hàng loạt vụ tấn công đẫm máu. Điều đáng nói là lực lượng an ninh Afghanistan vẫn yếu kém do nhiều nguyên nhân: tình trạng thương vong lớn, sự đào thải và tham nhũng. Vì vậy, các nhà chức trách Afghanistan hoan nghênh cam kết của Tổng thống Donald Trump trong việc gia tăng binh sĩ Mỹ và Kabul cũng biết rằng, cần thời gian để nâng cao khả năng chiến đấu của chính lực lượng trong nước.

Một tên lửa rơi xuống sân bay quốc tế Kabul ngày 27-9 làm 1 người chết và 4 người khác bị thương, ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đáp chuyến bay đến nơi đây để tiến hành các cuộc đàm phán. Các phương tiện truyền thông cho rằng, tên lửa nhằm vào máy bay chở ông Mattis. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid và chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại tỉnh Khorasan (Afghanistan) nhận trách nhiệm về vụ việc này.

PHÚC NGUYÊN

.