.

EU, NATO bàn về vùng cấm bay

.
* Nga cấm vận vũ khí với Libya
 
Ngày 10-3, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu thảo luận về việc áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Libya sau 3 tuần bất ổn ở đất nước Bắc Phi này. Chương trình nghị sự kéo dài 2 ngày tại thủ đô Brussels của Bỉ, ngay trước thềm hội nghị của Hội đồng châu Âu vào hôm nay (11-3).

Mô tả ảnh.
Lực lượng nổi dậy nã pháo vào quân đội Chính phủ gần thị trấn Ras Lanuf. Ảnh: Getty Images
 
Lầu Năm Góc khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ các lựa chọn quân sự cho Libya, trong đó có vùng cấm bay nhằm ngăn chặn máy bay chiến đấu của Chính phủ chống lại lực lượng nổi dậy, nhưng mọi quyết định đều cần sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc (LHQ). Kế hoạch của Lầu Năm Góc cũng được đặt trên bàn nghị sự các Bộ trưởng Quốc phòng NATO.

Phát biểu với hãng tin Sky News của Anh, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, liên minh này không muốn can thiệp vào Libya nhưng vẫn phải thận trọng chuẩn bị tất cả tình huống. Italia cho hay, Chính phủ Rome ủng hộ bất kỳ quyết định nào của NATO, EU hoặc LHQ, mở đường cho việc triển khai lực lượng hải quân Mỹ đang đồn trú tại thành phố Naples nếu cần thiết.

Với Mỹ, khủng hoảng Libya đang trở thành nội dung nghị sự chính của 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Khi Washington thúc đẩy việc can thiệp vào Libya và 20 tháng trước thềm bầu cử ở Mỹ, thì câu hỏi phải làm gì đối với đất nước Bắc Phi này và nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi không chỉ là vấn đề an ninh quốc gia dành cho riêng Tổng thống Barack Obama mà còn với tất cả nghị sĩ Cộng hòa - những ứng viên đang tìm kiếm cơ hội vào Nhà Trắng thay thế vị tổng tư lệnh của cường quốc hàng đầu thế giới. Ông Obama đêm 9-3 (giờ địa phương, sáng 10-3, giờ Việt Nam) cũng đã có cuộc gặp với các cố vấn an ninh chủ chốt để thảo luận về các hoạt động quân sự và nhân đạo.

Tổng thống Libya Gaddafi cáo buộc đề xuất vùng cấm bay là âm mưu của phương Tây, nhằm chiếm giữ đất nước của ông và đánh cắp nguồn dầu mỏ. Riêng Nga và Trung Quốc, 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, lại thờ ơ với việc áp đặt vùng cấm bay ở Libya. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 10-3 đã ký sắc lệnh tham gia cùng Hội đồng Bảo an LHQ cấm vận vũ khí đối với Libya, bao gồm cấm cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự. Mátxcơva cũng sẽ kiểm tra tất cả hàng hóa có nguồn gốc từ Libya nếu nghi ngờ giấu vũ khí hoặc các thiết bị quân sự. Sắc lệnh của Điện Kremlin còn cấm cả các khoản vay tài chính hoặc huấn luyện cho quân đội Libya.

Trước đó, Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt vũ khí với Libya, đồng thời “đóng băng” tài sản của 26 quan chức, trong đó có ông Gaddafi. Hãng Reuters cho hay, Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, và cũng là nhà cung cấp chính vũ khí cho Libya. Với lệnh cấm lần này, theo Công ty xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport, Mátxcơva sẽ mất khoảng 2 tỷ USD trong các thỏa thuận với Chính phủ Gaddafi. Song, một quan chức cấp cao quân đội Nga lại nói rằng, con số này lên đến 4 tỷ USD.

Theo hãng tin Reuters, các Ngoại trưởng EU cũng nhóm họp tại Brussels vào ngày 10-3 để thảo luận về vấn đề Libya. Trong lúc khủng hoảng chính trị ở Libya vẫn chưa tìm được lối thoát, giá dầu ở châu Á hôm qua tăng lên mức 105 USD/thùng. Ngành sản xuất dầu mỏ của Libya đã cắt giảm 500.000 thùng/ngày từ con số 1,6 triệu thùng kể từ khi các cuộc nổi dậy bắt đầu diễn ra.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.