.

Nóng bỏng thị trường tài chính Đà Nẵng

.

Số lượng các chi nhánh, phòng giao dịch tăng mạnh

Là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của khu vực, Đà Nẵng đang là địa điểm thu hút mạnh các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư tài chính – ngân hàng. Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng các chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch; công ty, đại lý nhận lệnh chứng khoán liên tiếp ra đời tại đây.

Liên tục trong thời gian qua nhiều điểm, phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng khai trương hoạt động tại Đà Nẵng.

Theo thống kê, hiện Đà Nẵng có gần 50 chi nhánh ngân hàng với khoảng 150 phòng giao dịch. Ngoài ra, còn có gần 20 công ty, đại lý nhận lệnh chứng khoán công ty cho thuê tài chính đã đi vào hoạt động. Vì vậy, cuộc đua giành giật thị phần, khách hàng ở lĩnh vực tài chính tại Đà Nẵng rất nóng bỏng.

Điểm sơ qua tên của các chi nhánh ngân hàng đang hoạt động tại đây cho thấy, gần như tập hợp đủ mặt các “anh tài” từ các chi nhánh ngân hàng thương mại lớn như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Ngoại thương, Đầu tư và Phát triển, đến các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần lớn như: Kỹ Thương, Á Châu, Đông Á, Quân đội, Sài Gòn Thương Tín... Đặc biệt là sự góp mặt của một số chi nhánh ngân hàng mới như: Liên doanh Indovina, Phát triển nhà Hà Nội, An Bình, Kiên Long, Việt Á, Đông Nam Á...

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc mở các chi nhánh ngân hàng mới, các ngân hàng còn mở rộng mạng lưới phòng giao dịch của mình ra khắp các quận, huyện, địa bàn trọng điểm. Mỗi chi nhánh ít nhất cũng có 1 đến 2 điểm, phòng giao dịch. Chi nhánh lớn thì lên đến 6, 7 điểm, phòng giao dịch. Đáng chú ý là các chi nhánh ngân hàng lớn như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Đầu tư và Phát triển đã mở đến 2 chi nhánh chính tại Đà Nẵng và nâng tổng số điểm, phòng giao dịch của mình lên đến vài chục đơn vị.

Bên cạnh việc thành lập các chi nhánh ngân hàng, các đại lý, công ty chứng khoán cũng không ngừng phát triển. Từ 4 - 5 đại lý nhận lệnh chứng khoán ban đầu, hiện nay Đà Nẵng đã có đến gần 20 đại lý, công ty chứng khoán, công ty cho thuê tài chính đang hoạt động. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính phần nào đem lại nhiều tiện ích, lựa chọn cho khách hàng nhưng cũng kéo theo những khó khăn nhất định.

Số lượng càng nhiều, hoạt động kinh doanh càng khó khăn

Một điểm chung thường thấy trong việc mở các điểm, phòng giao dịch cũng như chi nhánh mới của các ngân hàng là ngoài địa điểm thuận lợi, các chi nhánh ngân hàng luôn tìm cách “được ở gần nhau”. Có những chi nhánh đối diện, cận kề nhau như Ngân hàng Quốc Tế, Ngân hàng Kỹ Thương, Ngân hàng TMCP Sài Gòn... Chỉ riêng tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã có trên 10 chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng, rồi đường Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm, Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Phan Đình Phùng... cũng không ngoài “quy luật” đó. Chỉ các chi nhánh ngân hàng nhỏ mới tìm ra ở riêng một mình để dễ bề hoạt động.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tâm sự: Quả thật rất khó để cạnh tranh với các ngân hàng bạn, chúng tôi phải liên tục có những thay đổi về lãi suất, sản phẩm, chất lượng phục vụ, kể cả các chiêu khuyến mãi cao để thu hút khách hàng. Số lượng các chi nhánh càng nhiều, hoạt động càng thêm khó khăn. Các ngân hàng lớn đã khó thì các ngân hàng nhỏ càng khó khăn hơn rất nhiều.

Trên thực tế, khi số lượng ngân hàng tăng nhanh chóng đã khiến cho cuộc đua giành thị phần của các trung tâm tài chính tại Đà Nẵng càng trở nên gay gắt hơn. Cuộc đua huy động vốn, thu hút khách hàng tham gia các dịch vụ tín dụng ngày càng diễn ra quyết liệt khiến không ít ngân hàng nhỏ, ra đời sau lâm vào cảnh khó khăn. Một số ngân hàng, công ty, đại lý nhận lệnh chứng khoán buộc phải cắt giảm lương, thưởng kể cả nhân sự.

Hệ quả của sự tăng “nóng” này sẽ tiềm ẩn những rủi ro cho thị trường tài chính thành phố nói riêng, thị trường tài chính cả nước nói chung, nếu như ngay từ bây giờ không có sự kiểm soát, giám sát tốt các hoạt động này.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

 

;
.
.
.
.
.