.

Linh hoạt trong điều hành

Ngày 29-8-2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành hai quyết định liên quan đến lãi suất cơ bản và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc.

Thời gian gần đây, tình hình lạm phát đã tương đối lắng dịu. Nguy hiểm đã qua, nhưng nguy cơ vẫn còn rình rập. Vì vậy, tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ là một hướng đi mà Ngân hàng Nhà nước nhắm tới với những bước đi thận trọng và linh hoạt.

Thận trọng thể hiện ở chỗ, mặc dù lãi suất cho vay ở hầu hết các tổ chức tín dụng đều thấp hơn mức tối đa cho phép là 21%/năm (mức độ cao thấp có khác nhau tùy theo đặc điểm của mỗi ngân hàng). Lãi suất huy động cũng có giảm chút ít so với cách đây khoảng 1 tháng. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại…Tưởng rằng tất cả những điều đó đã là cơ sở cho việc giảm lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước ít nhất khoảng 0,5% như mong đợi của nhiều người. Tuy nhiên, bằng Quyết định 1906/QĐ-NHNN ngày 29-8-2008, lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên 14%/năm. Thái độ thận trọng này là cần thiết, bởi lạm phát vẫn còn cao so với lãi suất tiền gửi.

Để tiếp tục kiềm chế lạm phát và góp phần cho mục tiêu tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã linh hoạt khi điều chỉnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cho các Ngân hàng thương mại từ mức 1,2%/năm lên đến mức 3,6%/năm(theo Quyết định 1907/QĐ-NHNN ngày 29-8-2008). Không giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng lại tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước đã gián tiếp tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho các ngân hàng thương mại . Từ đó, các ngân hàng thương mại có điều kiện cho vay ra với lãi suất hợp lý hơn để thúc đẩ y phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Qua hai quyết định nêu trên, rõ ràng tính thận trọng và linh hoạt đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kết hợp hài hòa, thực hiện nhất quán mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.

MINH HUY

;
.
.
.
.
.