Cần quy định rõ về thu hồi đất, quản lý thị trường đất đai

.

Tại các hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do UBND quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu và Hội Cựu chiến binh thành phố tổ chức ngày 24-2, nhiều ý kiến đề xuất liên quan đến thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích quốc gia, công cộng cũng như các giải pháp quản lý thị trường đất đai, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...

Đề xuất bổ sung quy định số lượng bất động sản đối với mỗi đối tượng để quản lý, tránh tình trạng nhà đất bỏ hoang, gây lãng phí; đồng thời kiểm soát nguồn tính thuế thu nhập khi dịch chuyển các bất động sản. Trong ảnh: Một khu đô thị mới khu vực phía tây thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đề xuất bổ sung quy định số lượng bất động sản đối với mỗi đối tượng để quản lý, tránh tình trạng nhà đất bỏ hoang, gây lãng phí; đồng thời kiểm soát nguồn tính thuế thu nhập khi dịch chuyển các bất động sản. TRONG ẢNH: Một khu đô thị mới khu vực phía tây thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Bổ sung các quy định

Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Hồ Thuyên đề xuất, cần xem xét những người xây nhà ở chính đáng trên các khu đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư từ tháng 7-2004 đến tháng 7-2014, được hỗ trợ và bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Từ thực tế bảng giá đất trên địa bàn quận chỉ tiệm cận 70-80% với giá thị trường, nếu tiệm cận cao hơn thì phí, thuế sẽ rất cao nên cần có quy định miễn hoặc giảm thuế, phí thương mại dịch vụ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp để họ đầu tư kinh doanh, giúp phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho rằng, đối tượng thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa đề cập đến đối tượng chung cư xuống cấp, nhà tập thể xuống cấp nên cần phải bổ sung những đối tượng này, kể cả các khu nhà do Nhà nước đầu tư hay qua thời gian sử dụng lâu dài, có hộ dân mua, đất có nguồn gốc khác... để Nhà nước thu hồi, triển khai tái thiết đô thị. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện tái thiết đô thị. Quận sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu để đề xuất, kiến nghị các cơ quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai đối với các dự án, công trình trên địa bàn quận để sớm có thể triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu Võ Duy Thắng thống nhất với các nguyên tắc, căn cứ để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nêu trong dự thảo, tuy nhiên, trong Điều 71 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ xác định điều chỉnh định kỳ (5 năm), mà chưa đề cập đến điều chỉnh cục bộ. Trong bối cảnh hiện nay và sắp đến, khi cần các đột phá về tốc độ đô thị hóa và phát triển nông thôn, đặc biệt là xu hướng hội nhập kinh tế - xã hội, cần xem xét quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất, nhất là kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tránh khiếu kiện về đất đai, hạn chế bỏ hoang đất

PGS.TS. Đào Hữu Hòa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đại học Đà Nẵng thống nhất với việc Nhà nước trưng thu đất đai của người dân trong trường hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng... Đồng thời, đề nghị, việc Nhà nước thu hồi đất nên thực hiện trong những trường hợp vi phạm về đất đai, nằm trong diện thu hồi đất; còn lại trường hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng thì cần áp dụng cơ chế thỏa thuận về đất đai để tránh kẽ hở về lạm quyền và tránh phát sinh nhiều kiện cáo về đất đai. Bên cạnh đó, cần bổ sung hạn định về sở hữu đất ở như hạn điền đối với đất nông nghiệp bởi hiện có nhiều người được cấp quyền sử dụng rất nhiều đất ở, nhưng không ở, để bỏ hoang, mà người dân không có đất để ở. Đất nông nghiệp mà không sử dụng thì bị thu hồi, nên đất ở mà không ở cũng phải thu hồi vì vi phạm pháp luật về đất đai. Do vậy, cần phải chế định mỗi người được sở hữu tối đa bao nhiêu đất ở để có chế tài, tất cả các loại đất phải có hạn mức để sử dụng. Những khu đất ở mà chưa sử dụng thì cần được áp thuế giá trị gia tăng, tăng lên theo thời gian chưa sử dụng để những mảnh đất đó phải được đưa vào sử dụng, đặc biệt là xây nhà cho thuê nhằm tăng nguồn cung nhà ở, giảm giá nhà ở xuống, tránh để đầu cơ. Ngoài ra, cần quy định những chế tài đối với các hành vi gây nhiễu loạn giá đất, đặc biệt là bổ sung những quy định về kiểm soát giá đất đai và phải coi đất đai là một loại hàng hóa mà Nhà nước phải quản lý và kiểm soát.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Thanh Khê Nguyễn Văn Hùng đề nghị cần giải thích rõ ràng, thuyết phục liên quan đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, vì còn chung chung, khó hiểu, dễ bị áp dụng chủ quan và trên thực tế đã dẫn đến nhiều dự án thu hồi đất thiếu minh bạch, không đúng mục đích. Vướng mắc, khiếu kiện nhiều nhất hiện nay là vấn đề thu hồi đất. Vì thế, cần quy định cụ thể về các tiêu chí thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, cần quy định cụ thể về bồi hoàn cho người sử dụng đất bằng lợi ích vật chất để tránh dẫn tới hiện tượng các cơ quan thu hồi lạm dụng để bồi thường không thỏa đáng cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Huề (tổ 75, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đề xuất cần bổ sung thêm điều khoản “thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư” và cụ thể hóa thêm để người dân sẽ dễ dàng phân biệt được đâu là thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư. Phần đất thu hồi vì lợi ích quốc gia, công cộng thì việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân được thực hiện theo quy định của luật này trên cơ sở khung giá đất do Nhà nước ban hành. Còn phần đất thu hồi nhằm mục đích chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất, bán đấu giá thì được thỏa thuận mức đền bù sát với giá thị trường.

HOÀNG HIỆP - CHIẾN THẮNG - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.