Kinh tế

Sản xuất công nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023

07:02, 12/01/2023 (GMT+7)

Nhờ phát huy lợi thế, kết hợp các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2022 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: QUỲNH TRANG
Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: QUỲNH TRANG

Nỗ lực vượt khó

Theo Sở Công Thương, năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn trên đà phục hồi tăng trưởng và có xu hướng tích cực. Tổng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước tăng 8,9%, đóng góp 1,47 điểm phần trăm vào mức tăng tổng VA (giá trị tăng thêm) chung toàn nền kinh tế, với tỷ trọng đóng góp đạt 9,88%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 9,05% so với năm 2021 (vượt kế hoạch được giao năm 2022: 4-5%).

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,09%, là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp; sản xuất và phân phối điện tăng 13,76%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 28,07% so với năm 2021; riêng nhóm ngành khai khoáng ước giảm nhẹ 0,02%. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong ngành công nghiệp như: thiếu hụt lao động, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao… ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp.

Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tình hình sản xuất từng bước nối lại được các chuỗi cung ứng với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới gia tăng. Các doanh nghiệp đều nỗ lực tiếp cận vốn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Một số ngành đạt mức tăng trưởng khá trong năm 2022, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như sản xuất đồ uống; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất kim loại đúc sẵn; sản xuất phương tiện vận tải khác...

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; công nghiệp dệt. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2022 có khối lượng tăng mạnh gồm: tôm đông lạnh, giày dép thể thao, gạch và gạch khối xây dựng, bê-tông trộn sẵn...; song vẫn còn một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm khá sâu như: vải dệt thoi từ sợi bông; khăn mặt, khăn tắm; bộ quần áo dệt kim cho người lớn...

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 nhận định, năm 2023, thị trường trong nước và thế giới tiếp tục đối mặt nhiều thách thức về lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng cao. Đến thời điểm này, công ty vẫn đủ đơn hàng để duy trì sản xuất, tuy nhiên, đơn hàng nhỏ, lẻ, đơn giá thấp, trong khi yêu cầu chất lượng khắt khe hơn. Trước những khó khăn này, công ty ưu tiên bảo đảm việc làm cho người lao động; đồng thời, giữ uy tín, cải thiện vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, tận dụng cơ hội ngay khi thị trường phục hồi.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng

Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương nhìn nhận, lĩnh vực công nghiệp phục hồi đạt khoảng 90% so với năm 2019 do một số ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, chưa thể phục hồi (dệt, chế biến gỗ, sản xuất phương tiện vận tải khác, sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất). Ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 5-6% so với năm 2022. Đây cũng là mục tiêu có nhiều  thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

Công nhân sản xuất tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: QUỲNH TRANG
Công nhân sản xuất tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: QUỲNH TRANG

Thành phố chọn năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội” và đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 tăng 6,5-7%. Trong đó, ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 5-6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8-9%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 6-7% so với năm 2022.

Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2023, Sở Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp về các định hướng chính, triển khai các đề án, kế hoạch của ngành; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động thương mại nội địa; triển khai các chính sách hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp của ngành phục hồi và tăng trưởng.

Cụ thể, sở sẽ tham mưu thành phố ban hành nghị quyết về “Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc trưng của thành phố Đà Nẵng” và nghị quyết về “Chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030”. Ngành công thương  rà soát, xây dựng hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để bảo đảm quỹ đất cho thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp ưu tiên của thành phố; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đất đai, thuế, phí, lao động...; triển khai có hiệu quả chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; hoàn thành chất lượng các đề án khuyến công.

Sở Công Thương đã xây dựng, tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1927/QĐ-UBND ngày 20-7-2022 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 và Quyết định số 1928/QĐ-UBND ngày 20-7-2022 ban hành Quy chế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đối với các cụm công nghiệp (CCN), sở trình UBND thành phố xem xét ban hành quy chế làm việc của Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; tham mưu cho UBND thành phố đề xuất Ban cán sự Đảng UBND thành phố các nội dung để xử lý vướng mắc của CCN Cẩm Lệ; trình UBND thành phố xem xét ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Hòa Nhơn. Bên cạnh đó, sở phối hợp các đơn vị liên quan rà soát các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp trong khu dân cư cần di dời vào khu công nghiệp, CCN trên địa bàn thành phố, báo cáo UBND thành phố. Theo kết quả rà soát, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư có nhu cầu di dời vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn là 899 đơn vị, với nhu cầu diện tích đất sử dụng 198,7ha.

QUỲNH TRANG

.