Dấu ấn trong thu hút đầu tư

.

Năm 2022, kinh tế thế giới suy giảm, dịch bệnh kéo dài... tác động không nhỏ đến tình hình trong nước, tuy nhiên đây vẫn là năm được xem là khá thành công trên lĩnh vực thu hút đầu tư của thành phố.

Hoạt động sản xuất ở Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Hoạt động sản xuất ở Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Điểm sáng là thành phố tổ chức thành công Diễn đàn Đầu tư năm 2022. Tại đây, UBND thành phố đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ trương nghiên cứu đầu tư; thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng quy hoạch; bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư đề xuất hơn 5,6 tỷ USD.

Một điểm nhấn nữa là thành phố đẩy nhanh quá trình kêu gọi đầu tư, triển khai nhiều dự án lớn như: bến cảng Liên Chiểu; khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; không gian sáng tạo Đà Nẵng; trung tâm thương mại quốc tế; bệnh viện quốc tế; trường liên cấp quốc tế…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 15-11-2022, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.058 tỷ đồng, gấp 2 lần về số vốn so với năm 2021; trong đó có 10 dự án ngoài khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư hơn 6.136 tỷ đồng và 19 dự án trong các KCN, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 3.922 tỷ đồng.

Thành phố cấp mới 42 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 69,356 triệu USD; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.169 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 21.049 tỷ đồng, tăng 29,5% về số doanh nghiệp và tăng 37,5% về số vốn so với năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương với 2.146 doanh nghiệp. Đây là kết quả khá ấn tượng của thành phố trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong năm 2022, thành phố thành lập Tổ công tác liên ngành về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; hoàn thành quy trình chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện ngoài KCN, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin tập trung; hoàn thành xây dựng đề án "Nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các KCN mới" (Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh) và KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chủ động, linh hoạt tiếp cận trực tuyến và trực tiếp, làm việc với 60 nhà đầu tư tiềm năng để kêu gọi đầu tư, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trước, trong và sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại tiếp tục được chú trọng, thành phố đón tiếp 153 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, tăng 108 đoàn (240%) so với năm 2021. Ngoài ra, ban hành kế hoạch xúc tiến và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng với các đối tác châu Âu giai đoạn 2022-2025; xây dựng kế hoạch về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030...

Các kỹ sư đang làm việc tại Chi nhánh Công ty TNHH Phần mềm FPT Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Các kỹ sư đang làm việc tại Chi nhánh Công ty TNHH Phần mềm FPT Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước; thực hiện tốt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Theo đó, năm 2023 và những năm tới, thành phố tập trung xây dựng và triển khai đề án "Hội nhập và hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030"; triển khai các đề án, kế hoạch, chương trình thực hiện về công tác ngoại giao kinh tế; tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, xúc tiến đầu tư giữa thành phố Đà Nẵng với các nước...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thể hiện qua việc tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc tồn đọng, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong thủ tục hành chính; hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư.

Thành phố và các sở, ban, ngành tăng cường đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thành phố. Đồng thời, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư; tiếp tục mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh; tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực thành phố đang kêu gọi thu hút đầu tư. Thành phố duy trì, vận hành hiệu quả hoạt động các tổ công tác liên ngành nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, quy hoạch, đầu tư...

Triển khai hiệu quả đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các KCN mới và KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển dài hạn Khu Công nghệ cao Đà Nẵng theo đúng định hướng trở thành một Khu Công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia, các dịch vụ phát triển theo hướng tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.