Kịp thời giải ngân vốn vay cho nông dân sản xuất cuối năm

.

Thời điểm cuối năm, nông dân trên địa bàn huyện Hòa Vang rất cần nguồn vốn để sản xuất. Các tổ chức tín dụng tại thành phố tăng cường giải ngân các chương trình tín dụng cho người dân, kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn.

Các tổ chức tín dụng kịp thời cung ứng nguồn vốn vay để nông dân sản xuất cuối năm. Trong ảnh: Nông dân xã Hòa Liên đang chăm sóc hoa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.Ảnh: M.Q
Các tổ chức tín dụng kịp thời cung ứng nguồn vốn vay để nông dân sản xuất cuối năm. TRONG ẢNH: Nông dân xã Hòa Liên đang chăm sóc hoa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: M.Q

 Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay, nhà vườn của chị Phan Thị Kim Thoa (thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) mở rộng quy mô trồng hoa với khoảng hơn 1.500 chậu cúc mâm xôi, 4.000 chậu hoa dạ yến thảo, mắt nai, cúc bạch nhật… Đồng thời, chị ký hợp đồng cung ứng hơn 10.000 chậu hoa các loại khác từ trước đó. Để có thêm nguồn lực sản xuất, chị Thoa tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Đà Nẵng tại địa phương.

“Đây là năm thứ 3 tôi mở vườn hoa kinh doanh và nguồn vốn đầu tư ngày càng nhiều, do vậy tôi làm thủ tục vay vốn tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang và được giải ngân lần lượt 200 triệu đồng, tương ứng 2 lao động trong gia đình. Việc tiếp cận vốn tại NHCSXH đã giúp gia đình có thêm kinh phí trang trải các chi phí vật tư nguyên liệu, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động cũng như 2-4 lao động thời vụ với thu nhập 250.000-300.000 đồng/ngày”.Được biết, riêng với 100/200 triệu đồng vay vốn của chị Thoa phát sinh gần đây tại NHCSXH là được thụ hưởng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30-5-2022 của Chính phủ. Theo đó, đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm và giải ngân trong thời gian từ ngày 1-1-2022 đến 31-12-2023 sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Như vậy, lãi suất vốn vay của chị Thoa trong 2 năm 2022 và 2023 chỉ còn 5,92%.

Dịp Tết cũng là thời điểm 2 hồ cá trê xấp xỉ 70.000 con (tương đương 16 tấn) của ông Đinh Ngọc Phương (thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương) tới thời điểm xuất bán. Số cá trê này bán ra sẽ mang lại cho ông Phương lợi nhuận 170 triệu đồng. Ngoài ra, ông Phương đang tiếp tục nuôi thêm 1 hồ cá trê giống khoảng 20.000 con và 1 hồ cá ba-sa để gối đầu sản xuất. Có được kết quả trên là do ông Phương mạnh dạn vay NHCSXH huyện Hòa Vang 300 triệu đồng cho 3 lao động trong gia đình từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

“Tôi gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt từ lâu rồi, nhưng quy mô nhỏ. Từ khi liên hệ được đầu mối tiêu thụ cá trê tại các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Gia Lai…, tôi mạnh dạn vay vốn để sản xuất. Nguồn vốn vay tại NHCSXH cùng với số vốn sẵn có, tôi đầu tư mua nguyên liệu, thức ăn, con giống, xe tải chở hàng trị giá 300 triệu đồng. Tôi cũng rất phấn khởi khi được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại Chi nhánh NHCSXH Đà Nẵng trong 2 năm 2022 và 2023 chỉ còn 5,92%/năm. Nếu tình hình sản xuất, chăn nuôi ổn định thì dự kiến doanh thu từ việc nuôi cá trê là 800 triệu đồng/năm, trong đó lợi nhuận khoảng 300-350 triệu đồng”, ông Phương chia sẻ.

Những trường hợp trên là những mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu đã được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH để sản xuất cuối năm. Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang, chỉ riêng tháng 10 và 11-2022 đã giải ngân hơn 34 tỷ đồng cho 803 hộ nông dân, số liệu này cho thấy vốn đầu tư cho phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế được đẩy mạnh, giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Còn từ ngày 1-1 đến 15-12-2022, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang đã giải ngân hơn 226 tỷ đồng chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 5.186 hộ dân. Dự kiến 15 ngày cuối tháng 12, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang sẽ giải ngân khoảng 11 tỷ đồng chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để người dân có thêm vốn sản xuất.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nông dân có thêm vốn sản xuất cuối năm.  Trong ảnh: Ông Đinh Ngọc Phương (thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương) đầu tư nuôi cá trê từ nguồn vốn vay tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang. Ảnh: M.Q
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nông dân có thêm vốn sản xuất cuối năm. TRONG ẢNH: Ông Đinh Ngọc Phương (thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương) đầu tư nuôi cá trê từ nguồn vốn vay tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang. Ảnh: M.Q

Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang cho biết, qua theo dõi việc sử dụng vốn vay có thể thấy, người dân trên địa bàn rất linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn. Thay vì đầu tư các mô hình lớn như nhiều năm trước, người dân chú trọng sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Trước những rủi ro như thiên tai, ngập lụt trong năm qua, việc sản xuất theo  các mô hình nói trên hạn chế thiệt hại tối thiểu cũng như vẫn bảo đảm nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp cho thành phố. Với chủ trương phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố, Phòng giao dịch NHCSXH huyện cùng tổ tiết kiệm và vay vốn đang tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền để người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả, phối hợp với các đơn vị liên quan khác thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn giải ngân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Hòa Vang đến nay là hơn 35 tỷ đồng.

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang, tính đến ngày 15-12-2022, tổng dư nợ toàn huyện đạt 723 tỷ đồng, tăng  93,7 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Nợ quá hạn là 193 triệu đồng, chiếm 0,03%/tổng dư nợ. Hiện tại, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang có 15 chương trình vay vốn còn dư nợ; có 335 tổ tiết kiệm và vay vốn với 15.372 khách hàng vay vốn trên địa bàn 11 xã.
Ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - chi nhánh Nam Đà Nẵng cho biết, qua nắm bắt, nhu cầu vốn nông dân sản xuất năm nay chủ yếu ở quy mô nhỏ, trong khi nguồn vốn để phục vụ cho sản xuất cuối năm tại Agribank rất dồi dào. Đến giữa tháng 12, Agribank Nam Đà Nẵng vẫn còn gần 100 tỷ đồng vốn chưa giải ngân, bên cạnh đó, Agribank triển khai giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng Việt Nam đồng tại thời điểm ngày 30-11-2022. Đối với dư nợ phát sinh từ ngày 1-1 đến 31-12-2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. Agribank Nam Đà Nẵng đang tiếp tục chỉ đạo các phòng giao dịch, trong đó có Agribank chi nhánh huyện Hòa Vang kịp thời giải ngân vốn vay cho người dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.