Kinh tế
Phát triển nông nghiệp bền vững
Ngành nông nghiệp thành phố đã và đang phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái, hiện đại... Trước những khó khăn, thách thức hiện nay, thành phố cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm chủ lực; qua đó, nâng cao hiệu quả, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của nông dân. TRONG ẢNH: Mô hình trồng cây hoa giấy bảy màu của nông dân quận Cẩm Lệ. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Còn nhiều khó khăn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng giảm, trung bình mỗi năm giảm 10-15% diện tích sản xuất. Dù vậy, trong giai đoạn 2016-2020, mức tăng GRDP ngành nông nghiệp là 3,1%/năm. Tính đến nay, toàn thành phố có 10,5ha rau, 2,5ha hoa tại vùng chuyên canh đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến; 20 cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 345ha… Đối với sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”), thành phố hiện có 40 sản phẩm được đánh giá, phân hạng với 17 sản phẩm 4 sao, 23 sản phẩm 3 sao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa cho biết, dù đạt được những kết quả nhất định, song tình hình sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn bởi các yếu tố về đất đai, thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, nguồn lao động bị hạn chế; liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa đạt hiệu quả do số lượng hàng hóa không nhiều, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, vật liệu mới còn hạn chế, chưa phát triển mạnh mẽ…
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Văn Ấn, sản phẩm nông nghiệp do nông dân trên địa bàn sản xuất để cung ứng ra thị trường còn thấp về sản lượng, bình quân chỉ chiếm 20-30% nhu cầu của người dân và phục vụ du lịch, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác; diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, sản phẩm nông nghiệp hạn chế… Vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị để tạo ra những sản phẩm chất lượng, hiệu quả, an toàn là xu hướng phù hợp điều kiện hiện nay của Đà Nẵng.
“So với phát triển nông nghiệp truyền thống, nguồn vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp đô thị rất lớn. Mặc khác, để đạt hiệu quả cao khi sản xuất, nông dân bắt buộc phải có kiến thức chuyên sâu, được đào tạo bài bản. Đây là vấn đề mà nông dân Đà Nẵng bị hạn chế”, ông Nguyễn Văn Ấn nhận định.
Giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị
Ông Nguyễn Văn Ấn cũng đề xuất, để phát triển bền vững nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp đô thị, cần sự chung tay của “4 nhà”, trong đó: Nhà nước với vai trò ban hành chính sách ưu tiên, đặc thù để hỗ trợ nông dân có điều kiện sản xuất; nhà khoa học chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo các giống chất lượng cao, kỹ thuật chăm sóc hiệu quả; cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ về đầu tư, sản xuất, kết nối thương mại, phát triển nhãn hiệu; nông dân cần được đào tạo bài bản, nâng cao kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực. Ngoài ra, cần xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp đang có hiệu quả cao, mang lại giá trị kinh tế cho nông dân…
Theo Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, ngành nông nghiệp thành phố cần tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc hình thành chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế của từng vùng, địa phương. Đồng thời có cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp; xây dựng môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn...
“Đất sản xuất nông nghiệp đô thị là vấn đề cần được nghiên cứu thêm; từ đó, đề xuất những chính sách hỗ trợ, đặc biệt đối với việc sản xuất nông nghiệp không sử dụng hoặc ít sử dụng tài nguyên. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có một số mô hình sản xuất rau thủy canh nhưng không dùng ánh sáng mặt trời, sản phẩm vẫn sinh trưởng tốt, đạt chất lượng cao”, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đặng Văn Hồng cho biết thêm.
Ông Hoàng Thanh Hòa cho rằng, để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, thành phố cần thực hiện một số giải pháp về quy hoạch đầu tư hạ tầng, phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô, triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, hướng đến các mô hình công nghệ hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường, tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ sinh học. Ngoài ra, triển khai các giải pháp về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi cung ứng nông sản; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm của chương trình OCOP…
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp Để tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Chương trình số 42-Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế xã hội thành phố cũng tham gia xây dựng các đề án về phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị và bền vững, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề án phát triển rau, hoa, sinh vật cảnh trên địa bàn thành phố; đề án phát triển các vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ... |
VĂN HOÀNG