Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch để thu hút khách

.

Nhằm thu hút khách đến với Đà Nẵng nhiều hơn sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch thành phố đã xây dựng kế hoạch truyền thông điểm đến Đà Nẵng năm 2020. Kế hoạch này tập trung cung cấp các thông tin chính xác, rõ ràng về tình hình dịch bệnh tại thành phố cho du khách cũng như đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách... 

Các chương trình xúc tiến, quảng bá cần được tổ chức thường xuyên, liên tục để giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế các hoạt động mới, nổi bật của du lịch Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách vui chơi tại Lễ hội thả diều 2019. Ảnh: THU HÀ
Các chương trình xúc tiến, quảng bá cần được tổ chức thường xuyên, liên tục để giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế các hoạt động mới, nổi bật của du lịch Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách vui chơi tại Lễ hội thả diều 2019. Ảnh: THU HÀ

Ngành du lịch thành phố xác định với thị trường khách nội địa sẽ truyền đi thông điệp “Tuyệt vời Đà Nẵng”; tập trung khai thác ở các thị trường có các đường bay trực tiếp, thường kỳ đến Đà Nẵng như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... và mở rộng ra các thị trường khác trong cả nước.

Với thị trường quốc tế, sau khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, ngành du lịch sẽ truyền đi thông điệp “Đà Nẵng - Điểm đến toàn cầu 2020” tới các thị trường khách truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc…; mở rộng một số thị trường mới như Nga, Úc, Ấn Độ và châu Âu như Anh, Đức, Pháp… thông qua các kênh truyền thông trực tuyến, truyền hình, báo chí, sự kiện du lịch, hội chợ, famtrip, presstrip, blogger du lịch, roadshow…

Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho hay, thời điểm này, khách du lịch nội địa đã dần có nhu cầu đi du lịch trở lại ở các điểm đến gần. Vì thế, Trung tâm đã có kế hoạch, các kịch bản truyền thông để thu hút khách đến với Đà Nẵng trong thời gian tới.

Cụ thể, trong kịch bản Đà Nẵng đã kiểm soát được Covid-19 nhưng một số tỉnh, thành phố lớn trong nước và thế giới vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, thì sẽ tập trung truyền thông trực tuyến (truyền thông online).

Trung tâm đã triển khai chiến dịch truyền thông với hastag (gắn thẻ) #seeyouindanang (gặp bạn ở Đà Nẵng) dưới hình thức các bài viết, hình ảnh đẹp của Đà Nẵng với sự yên bình, trong lành; các video ngắn, đẹp, chuyên nghiệp, ấn tượng, giới thiệu những góc nhìn, những câu chuyện về Đà Nẵng trên các kênh truyền thông online như: facebook, youtube, cổng thông tin du lịch, instagram, ứng dụng du lịch FantastiCity…

Ngoài ra còn truyền thông, quảng bá Đà Nẵng - Top 1 Trending Destination in 2020 (Điểm đến xu hướng hàng đầu năm 2020) trên các mạng xã hội dưới hình thức viết bài 2 số/tháng và chuyển ngữ sang các thứ tiếng Anh, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Với thị trường quốc tế phối hợp với các đơn vị truyền thông, báo đài, blogger nổi tiếng… để chia sẻ hình ảnh, bài viết, clip du lịch Đà Nẵng trên các tài khoản xã hội của các tổ chức cá nhân này. Đối với kịch bản Việt Nam kiểm soát được Covid-19, thế giới vẫn chưa kiểm soát, lúc này sẽ triển khai chiến dịch truyền thông với hastag #combacktoDanang (trở lại Đà Nẵng) hình thức các video sinh động, hấp dẫn với chủ đề Go back to Đà Nẵng (tạm dịch: quay trở lại Đà Nẵng) cùng các hình ảnh, bài viết, các bộ ảnh đẹp về những điểm check-in mới tại Đà Nẵng, ẩm thực độc đáo trên các kênh truyền thông.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông chương trình kích cầu du lịch nội địa, truyền thông các điểm check-in mới và các sự kiện nổi bật tại Đà Nẵng; phối hợp với các tỉnh, thành phố có biên bản ký kết với Đà Nẵng hỗ trợ truyền thông điểm đến Đà Nẵng và ngược lại.

Việc truyền thông, quảng bá cần được triển khai dưới nhiều hình thức để thu hút khách.  Trong ảnh: Ngành du lịch thành phố tham gia xúc tiến, quảng bá tại thị trường Nhật Bản  (Ảnh: Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cung cấp)
Việc truyền thông, quảng bá cần được triển khai dưới nhiều hình thức để thu hút khách. Trong ảnh: Ngành du lịch thành phố tham gia xúc tiến, quảng bá tại thị trường Nhật Bản (Ảnh: Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cung cấp)

Song song đó, đơn vị phối hợp với quỹ xúc tiến du lịch, hiệp hội du lịch, các hội và doanh nghiệp du lịch truyền thông về điểm đến Đà Nẵng… Đến khi Việt Nam và thế giới đã kiểm soát được dịch bệnh, Trung tâm sẽ vẫn ưu tiên truyền thông online; theo đó, mở rộng truyền thông thị trường nội địa và quốc tế dưới nhiều hình thức, tập trung mạnh truyền thông danh hiệu Đà Nẵng - Top 1 Trending Destination in 2020.

Cụ thể sẽ truyền đi thông điệp hastag #Danangthanksyou (Đà Nẵng cám ơn bạn) với mục đích tri ân và cảm ơn du khách đã luôn tin tưởng, lựa chọn điểm đến Đà Nẵng an toàn, thân thiện, hấp dẫn dưới hình thức thực hiện các video, hình ảnh về sự an toàn của thành phố Đà Nẵng, cảnh sinh hoạt của người dân và những trải nghiệm tại các điểm check-in mới…

Ngoài kế hoạch quảng bá, thu hút khách từ thị trường nội địa, mới đây, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đã đề xuất việc tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến (webinar) giới thiệu du lịch Đà Nẵng cho thị trường Ấn Độ. Bà Mai Thị Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho hay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên kế hoạch tổ chức Roadshow Đà Nẵng tại New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 5 này bị hoãn và cũng làm gián đoạn công tác xúc tiến quảng bá ở thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, nhiều đơn vị lữ hành Ấn Độ vẫn kỳ vọng sự khôi phục của du lịch outbound (đi ra nước ngoài) dịp cuối năm từ tháng 9 đến tháng 12-2020.

Vừa qua, đại diện Trung tâm Xúc tiến du lịch đã làm việc với ông Vijay Mohan, Chủ tịch Tổ chức NIMA (Mạng lưới các lữ hành MICE tại Ấn Độ) kiêm Giám đốc Công ty lữ hành Holiday World (đơn vị lữ hành hàng đầu tại thành phố Andra Pradesh) về việc tổ chức các hội thảo trực tuyến cung cấp thông tin điểm đến, các sản phẩm du lịch chuyên về MICE cho lữ hành Ấn Độ.

Thay vì một hội thảo trực tuyến lớn giới thiệu về Đà Nẵng, ông Vijay Mohan sẽ hỗ trợ miễn phí tổ chức dự kiến 8 hội thảo trực tuyến nhỏ từ 80-150 người tham dự để bảo đảm việc quản trị cũng như sự tương tác của người tham dự. “Các hội thảo trực tuyến này sẽ được tổ chức cho các nhóm đối tác khác nhau đến từ 2 thành phố phía nam, 2 thành phố phía đông, New Delhi và Mumbai (Ấn Độ). Nếu việc tổ chức hội thảo trực tuyến này thành công chúng tôi sẽ đề xuất triển khai thêm tại một số thị trường tiềm năng khác”, bà Mai Thị Thanh Hải chia sẻ. 

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, thời điểm hiện nay, việc cần làm sớm là khẩn trương truyền thông đến thị trường khách nội địa, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng lượng khách ngay trong mùa cao điểm du lịch hè.

Trong đó, chú trọng nguồn khách từ các thị trường có điểm đến gần, thuận tiện trong di chuyển, đặc biệt là gia tăng nguồn khách nội địa từ các thị trường trọng điểm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng chiến dịch quảng bá khôi phục hoạt động du lịch Đà Nẵng sau khi dịch bệnh hoàn toàn được khống chế với các thông điệp hấp dẫn, thu hút cả khách nội địa và quốc tế.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.