Đưa hàng Việt về nông thôn

.

Để tạo nhiều cơ hội cho người dân vùng nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang tiếp cận với nguồn hàng nội địa có chất lượng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường, quảng bá sản phẩm “made in Việt Nam”, các ngành chức năng thành phố tiếp tục tổ chức các phiên chợ hàng Việt và những chuyến hàng tăng cường vào dịp cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt trong và ngoài địa bàn thành phố đã cung ứng nguồn hàng lớn phục vụ vùng nông thôn dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. (Ảnh chụp tại Phiên chợ hàng Việt ở Hòa Vang). Ảnh: HOÀNG LINH
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt trong và ngoài địa bàn thành phố đã cung ứng nguồn hàng lớn phục vụ vùng nông thôn dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. (Ảnh chụp tại Phiên chợ hàng Việt ở Hòa Vang). Ảnh: HOÀNG LINH

Vào trung tuần tháng 12-2019, “Phiên chợ hàng Việt” do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố phối hợp cùng UBND xã Hòa Nhơn tổ chức đã diễn ra, dù chỉ trong 3 ngày nhưng đã có hàng trăm lượt người dân đến tham quan, mua sắm. Nguồn hàng khá phong phú, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân như: đồ gia dụng, bánh kẹo, giày dép, gia vị… Sản phẩm do các nhà sản xuất, phân phối trên địa bàn thành phố cũng như một số địa phương khác từ Bình Dương, Quảng Nam, Đăk Lăk… cung ứng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn người dân đến mua sắm tại phiên chợ đều bày tỏ sự hài lòng về chất lượng, giá cả hàng hóa. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hải (xã Hòa Nhơn) cho rằng, mức giá các sản phẩm dao động từ vài chục ngàn đến 400.000-500.000 đồng là hợp lý đối với thu nhập của người dân ở vùng ven. Trong khi đó, bà Mai Thị Hà (xã Hòa Khương) tỏ ra hài lòng khi mua được một số mặt hàng bánh kẹo, trái cây sấy khô và giày dép… để phục vụ dịp Tết đến.

Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp gần Tết, Sở Công thương và các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp lại tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt và chuyến hàng tăng cường về phục vụ người dân nông thôn, vùng miền núi.

Chương trình này không chỉ giúp người dân tiếp cận được nguồn hàng phong phú, đa dạng mà bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn ít được khách hàng chú ý đến) tìm được thị trường mới và quảng bá sản phẩm rộng rãi. Các phiên chợ hàng Việt cũng là cơ hội để các sản phẩm đặc sản của địa phương như nước mắm Nam Ô được đến gần hơn với người tiêu dùng ở các vùng nông thôn vốn khó tiếp cận với các kênh quảng bá.

 Đem hàng chục ký các sản phẩm hương, trầm hương, giác xông các loại từ Đại Lộc (Quảng Nam) đến với Phiên chợ hàng Việt (tổ chức tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đem hàng tới phiên chợ này vì sức tiêu thụ khá tốt, giá các mặt hàng dao động từ 40.000 - 150.000 đồng/sản phẩm. Trung bình một ngày cũng bán được trên 8 triệu đồng”.

Mong muốn quảng bá và mở rộng thị trường các mặt hàng bánh kẹo do đơn vị sản xuất, Công ty Chế biến thực phẩm Hà Chi (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) là đối tác quen thuộc, tích cực tham gia các hội chợ, phiên chợ hàng Việt trên địa bàn thành phố.

Theo ông Lê Đức Vinh, phụ trách mảng phân phối của công ty, những hoạt động này là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm cũng như tìm kiếm bạn hàng. “Với các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, việc cạnh tranh với các thương hiệu lớn rất khó. Do đó, việc tham gia các phiên chợ hàng Việt để đưa hàng về vùng ven, vùng nông thôn được chúng tôi xác định là vừa tầm với mình. Sau mỗi lần tham gia công ty lại có thêm một vài bạn hàng chất lượng”, ông Vinh chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt trong và ngoài địa bàn thành phố đã đem nguồn hàng lớn về phục vụ vùng nông thôn dịp cuối năm. Ảnh chụp tại Phiên chợ hàng Việt ở Hòa Vang.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt trong và ngoài địa bàn thành phố đã đem nguồn hàng lớn về phục vụ vùng nông thôn dịp cuối năm. Ảnh chụp tại Phiên chợ hàng Việt ở Hòa Vang.

Theo Sở Công thương thành phố, dịp sát Tết Nguyên đán, sở tiếp tục tổ chức chương trình đưa hàng phục vụ đồng bào miền núi tại 2 xã Hòa Bắc và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang). Đơn vị được đề xuất thực hiện chương trình là Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm đưa hàng Việt về nông thôn. Theo đó, tại mỗi xã sẽ tổ chức 1 chuyến xe lưu động bán hàng trong vòng 2 ngày 1 đêm, bắt đầu từ ngày 7 đến ngày 10-1 (nhằm ngày 13-16 tháng Chạp).

Cụ thể, tại xã Hòa Bắc, triển khai bán trong 2 ngày 7 và 8-1; xã Hòa Ninh bán trong 2 ngày 9 và 10-1 với hơn 500 mặt hàng có nhu cầu mua sắm cao (tổng giá trị hơn 400 triệu đồng). Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Siêu thị Co.oopmart Sơn Trà cho biết, tất cả các mặt hàng này đều được sản xuất trong nước, bảo đảm về mẫu mã, chất lượng, giá cả các mặt hàng không cao hơn, thậm chí thấp hơn giá bán ở trung tâm thành phố.

“Hằng năm, huyện đều phối hợp với Sở Công thương đều tổ chức các phiên chợ hàng Việt về với các xã trên địa bàn, qua đó góp phần tuyên truyền về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giới thiệu đến bà con các sản phẩm, thương hiệu Việt. Mỗi phiên chợ diễn ra từ 3-4 ngày với sức mua khá tốt, bà con hài lòng về chất lượng, giá cả nguồn hàng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang cũng tích cực tuyên truyền để bà con biết và tham gia hưởng ứng, đến mua sắm tại các phiên chợ như thế này”, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang cho biết.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
;
.
.
.
.
.