Bao giờ du lịch Đà Nẵng không còn 'ngủ đêm'?

.

Đầu năm 2019, Báo The New York Times bình chọn Đà Nẵng là một trong 15 điểm phải đến nhất trong năm. Song, đấy mới chỉ là đánh giá về cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ ban ngày… còn các hoạt động vui chơi, giải trí dành cho du khách về đêm vẫn chưa đa dạng, chưa thu hút được nhiều du khách.

Cần tổ chức nhiều hoạt động, dịch vụ đa dạng, lành mạnh để phục vụ du khách về đêm.  Trong ảnh: Du khách tham quan, mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ
Cần tổ chức nhiều hoạt động, dịch vụ đa dạng, lành mạnh để phục vụ du khách về đêm. Trong ảnh: Du khách tham quan, mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà.

Hoạt động giải trí về đêm chưa nhiều

Đà Nẵng vẫn là điểm sáng thu hút khách. Theo báo cáo của UBND thành phố, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,1 triệu lượt trong tổng số hơn 7,2 triệu lượt du khách, tăng 19,9% so với cùng kỳ 2018 (kế hoạch tăng 9,6%); trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,6 triệu lượt, tăng 21,9% (kế hoạch tăng 10,1%). Bình quân số ngày lưu trú của khách trong nước là 1,68 ngày/lượt, khách quốc tế là 1,86 ngày/lượt.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành 9 tháng ước đạt 17.673,4 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018 (kế hoạch tăng 8,1%). Lượng khách tăng như vậy đòi hỏi điểm đến phải đáp ứng được nhu cầu lưu trú, vui chơi, giải trí, mua sắm dành cho du khách…

Ngành du lịch thành phố đã và đang rất nỗ lực để tạo ra các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm nhưng thực sự đến nay đây vẫn là bài toán nan giải. Đơn cử như việc ngắm sông Hàn về đêm.

Vì các tàu dừng hoạt động khá sớm (22 giờ) nên nhiều du khách bỏ lỡ cơ hội được ngắm các cây cầu về đêm từ trên tàu. Một số sản phẩm du lịch văn hóa nghệ thuật về đêm như xem hát Tuồng, hát bài chòi, vũ hội đường phố được tổ chức vào các buổi tối cuối tuần nhưng lại diễn ra ngoài trời nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Các mô hình chợ đêm Helio, chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Thanh Khê... tuy đã đưa vào hoạt động, song đến nay về cơ bản mới chỉ có chợ đêm Sơn Trà đã phần nào trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều du khách thì quy mô, chất lượng sản phẩm vẫn còn hạn chế.

Chị Lê Đình Thanh, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ, sau khi xem cầu Rồng phun lửa, phun nước chị ghé vào chợ đêm Sơn Trà. Tuy nhiên, các mặt hàng được bày ở đây còn khá đơn điệu và nghèo nàn, tương tự như nhiều chợ đêm của các địa phương khác, không có nhiều khác biệt.

“Nếu được, Đà Nẵng nên tạo được sự khác biệt bằng cách có thêm các sản phẩm lưu niệm đặc trưng nhỏ gọn có thể làm quà tặng..., hay ẩm thực đặc trưng của địa phương để du khách có thể thưởng thức tại chỗ hoặc mang về...

Ví dụ như tới Thái Lan, du khách dễ dàng mua được những chiếc túi, ví được tạo hình những chú voi (gợi nhớ hình ảnh đất nước Triệu Voi), hay đến Singapore dễ dàng mua được những móc khóa có hình sư tử biển, hoặc bản đồ đất nước Singapore thu nhỏ”, chị Thanh nói.

Hiện chợ đêm Helio cũng thu hút lượng không nhỏ du khách nhưng chủ yếu dành cho giới trẻ và sản phẩm cũng chưa thực sự phong phú và thu hút khách. Vừa qua, Đề án phố du lịch An Thượng được kỳ vọng sẽ trở thành “phố không ngủ” dành cho du khách đặc biệt là khách quốc tế, song đến nay vẫn còn những vướng mắc, một phần vì các sản phẩm, dịch vụ chưa hoàn thiện, một phần khác do các hàng quán, dịch vụ nằm giữa khu dân cư nên nếu hoạt động quá khuya sẽ ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân...

Nếu chỉ dừng ở các chợ đêm thôi chưa đủ mà cần có thêm các sản phẩm dịch vụ khác để du khách có thể vui chơi, giải trí về đêm khi lưu trú tại Đà Nẵng.
Nếu chỉ dừng ở các chợ đêm thôi chưa đủ mà cần có thêm các sản phẩm dịch vụ khác để du khách có thể vui chơi, giải trí về đêm khi lưu trú tại Đà Nẵng.

Tương tự, các khu mua sắm, vui chơi, quán bar, pub… đông khách du lịch về ban đêm (tại tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú) lại nằm xem lẫn giữa các khu dân cư nên các hoạt động về đêm không thể kéo quá muộn, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của người dân địa phương.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Trương Thị Hồng Hạnh thừa nhận vẫn còn những khó khăn nhất định như thành phố chưa có quy hoạch dành quỹ đất cho xây dựng trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực tập trung; thiếu các sản phẩm du lịch quy mô lớn và chuyên nghiệp để tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm tăng ngày lưu trú và kích thích chi tiêu của du khách; thiếu cơ chế đặc thù khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch về đêm. Thủ tục còn rườm rà nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án về du lịch. Nhà đầu tư chờ lâu nên chuyển hướng đi đầu tư các nơi khác.

Cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Ông Đoàn Hải Đăng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho rằng muốn kích thích chi tiêu của khách thì nên có thêm các khu mua sắm vào ban đêm, các trung tâm vui chơi giải trí, massage, các mini bar…; đồng thời, kết nối các điểm du lịch miền Trung và quốc tế để thu hút du khách.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Hoàng, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Anh Việt lại cho rằng, các mô hình giải trí, điểm đến ban đêm nên có không gian văn hóa nghệ thuật, mua sắm để du khách thấy được không gian công cộng của điểm đến…

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải quản lý tốt về chất lượng hàng hóa, quản lý được giá cả sản phẩm để khách đến rồi về giới thiệu cho bạn bè, người quen; cần quan tâm đến phong cách, thái độ của những người làm dịch vụ.

“Thực tế, những mô hình mua sắm, giải trí về đêm, các nước du lịch phát triển  đều làm từ lâu rồi. Đừng sợ mở ra một hay nhiều chợ mà có thể mở cả các chợ truyền thống hiện có để du khách có thể ghé thăm… Làm sao để khách đến Đà Nẵng sẵn sàng chi đến những đồng tiền cuối cùng trước khi ra sân bay”, ông Phạm Đình Hoàng gợi ý.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, trước mắt sẽ tổ chức phố đêm 24/7 tại quận Ngũ Hành Sơn với các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật tại khu vực bãi biển...; triển khai và đưa vào hoạt động phố đi bộ - chợ đêm Bạch Đằng; chọn lọc các tài nguyên văn hóa, lịch sử có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch tại các địa phương để kêu gọi xã hội hóa đầu tư dịch vụ hình thành điểm đến mới; cho phép tàu du lịch thủy nội địa kéo dài thời gian hoạt động về đêm (đến 24 giờ). Khuyến khích các trung tâm mua sắm lớn, các cụm dịch vụ tại khu vực ven sông phía đông đường 2 Tháng 9, các tuyến  Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, phố du lịch An Thượng, tuyến biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa kéo dài thời gian mở cửa phục vụ khách đến 24 giờ...

Về lâu dài, Sở Du lịch sẽ hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án để có sản phẩm du lịch mới: Dự án Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía đông nam Đài tưởng niệm; khu tổ hợp lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; khu phi thuế quan tại Hòa Vang; phố đêm Nhật Bản; làng ẩm thực quốc tế (Cẩm Lệ); phê duyệt và công bố quy hoạch cảnh quan 2 bên bờ sông Hàn và 2 tuyến biển Trường Sa – Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành để thu hút đầu tư hình thành các dịch vụ vui chơi giải trí, trong đó có vui chơi giải trí về đêm...

Ngành du lịch đề xuất nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là  cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong lĩnh vực du lịch với 3 nhóm sản phẩm dịch vụ chính: vui chơi giải trí, ẩm thực và mua sắm; cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch tại một số điểm di tích văn hóa lịch sử của các quận, huyện.

Ông Robert Callan, du khách Anh: Nên có các khu vui chơi, giải trí xuyên đêm dành cho khách du lịch

Trong những ngày lưu lại Đà Nẵng vừa qua, tôi đã đi xem cầu Rồng phun lửa, phun nước và tham quan một số điểm du lịch của thành phố nhưng vẫn cảm thấy hơi tiếc vì buổi tối không có quá nhiều chỗ chơi. Tôi có ghé chỗ người bạn đang lưu trú ở khu An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) vì nghe nói nơi đây tập trung nhiều khách nước ngoài, song chúng tôi vẫn chọn ngồi ở các pub nhỏ trên đường Bạch Đằng vì nhộn nhịp hơn, vừa gặp gỡ được nhiều người vừa ngắm thành phố. Nếu các bạn có thêm các khu vui chơi, giải trí xuyên đêm sẽ tốt hơn vì không phải khách du lịch nào cũng thích đi ngủ sớm.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Duy nhất Đông Dương: Cần có quy hoạch bài bản và lộ trình phát triển cụ thể

Ở những nước phát triển về du lịch, tôi thấy có những góc phố nhỏ, rất cũ kỹ nhưng lại thu hút khách du lịch vì nơi đó có các tiện ích được du khách yêu thích. Tại Đà Nẵng, dù thành phố đã và đang nỗ lực hình thành các khu, điểm thu hút khách nhưng vẫn chưa có các khu tập trung như thế. Muốn thu hút khách phải tạo được những khu có các hoạt động liên tục và quan trọng phải “nuôi” được các hoạt động đó thường xuyên. Để làm được điều này, thành phố phải có quy hoạch bài bản và kế hoạch phát triển cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa phương cũng như thị trường khách.

NHẬT HẠ ghi

Bài và ảnh: THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.