Xu thế chuyển dịch của ngành công nghiệp truyền thống

.

Những năm gần đây, các ngành công nghiệp truyền thống của Đà Nẵng như dệt may, thủy sản, gỗ… đang dần chuyển việc đầu tư, mở rộng nhà máy sản xuất ra các địa phương khác trên cả nước. Đây là xu hướng tự nhiên, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế, nhất là khi thành phố kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới thành phố môi trường.

Những năm gần đây, các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, thủy sản, thép,  xi-măng, sản xuất chế biến gỗ... đang có xu hướng tìm kiếm đầu tư nhà máy ở các địa phương khác. (Ảnh chụp tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ)
Những năm gần đây, các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, thủy sản, thép, xi-măng, sản xuất chế biến gỗ... đang có xu hướng tìm kiếm đầu tư nhà máy ở các địa phương khác. (Ảnh chụp tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ)

Từ năm 2018, để mở rộng quy mô và hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty CP Dệt may 29-3 đã đưa vào hoạt động thêm xưởng sản xuất có quy mô 12 dây chuyền với 500 việc làm, công suất 700 sản phẩm/dây chuyền/ngày ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đặt hàng ngày càng gia tăng. Năm 2019, công ty tiếp tục mở thêm xưởng sản xuất khác có công suất 20 dây chuyền ngay trong khuôn viên 6ha ở quận Thanh Khê nhằm tiếp cận những thị trường mới như Mexico, Canada…

Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, đơn vị đang triển khai kế hoạch xây dựng thêm nhà máy chế biến tôm thịt tại Tiền Giang và mở rộng diện tích nuôi tôm lên 200ha tại vùng nuôi tôm tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là bước đi của DN nhằm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như tăng công suất chế biến, tăng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và khai thác hiệu quả hơn thị trường Mỹ khi chính thức tham gia vào Hiệp định CPTPP.

Để đón đầu xu thế phát triển, từ năm 2016, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã góp vốn đầu tư Công ty CP Sợi Hòa Thọ - Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam với sản lượng trên 6.000 tấn/năm nhằm giải quyết bài toán về nguồn nguyên liệu cũng như đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm sợi ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu thời trang Merriman.

Theo Sở Công thương thành phố, đây là xu hướng tự nhiên, phù hợp với quy luật phát triển ở các thành phố lớn, trong đó có Đà Nẵng. Nguyên nhân là do các ngành dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng... là những lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, lao động, trong khi tại các thành phố đang phát triển, những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành trên đang ngày càng giảm sút.

Riêng tại Đà Nẵng, do mật độ dân cư ngày càng cao cùng với yêu cầu phát triển bền vững hướng tới thành phố môi trường nên các lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, nguy cơ ô nhiễm cao (chế biến gỗ, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng…) không được khuyến khích.

Đối với các lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông (dệt may, da giày, chế biến thủy sản…) ở các đô thị lớn tăng cao do chi phí nhà ở, sinh hoạt ngày càng cao kéo theo chi phí tiền lương cho nhân công cũng tăng theo, làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp buộc họ phải tính đến việc chuyển dịch nhà máy ra các địa phương lân cận kém phát triển hơn để tiếp tục tận dụng nguồn lao động tại chỗ và giá rẻ tại các địa phương này để tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, hiện nay nguồn lao động tại thành phố đang được thu hút vào các ngành du lịch, dịch vụ khiến việc tuyển dụng lao động cho các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản… gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương cho biết thêm: “Xu hướng dịch chuyển này phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp của cả nước. Riêng tại Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 24-8-2018 thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, trong đó có nội dung định hướng rà soát, có cơ chế chuyển đổi dần các hoạt động sản xuất công nghiệp có tác động xấu đến môi trường (luyện kim, sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất xi-măng, sản xuất giấy…) sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường hoặc các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp.

Mặc khác, Đà Nẵng có chính sách chuyển dịch một số ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày; chế biến thủy sản, luyện cán thép, sản xuất giấy, vật liệu xây dựng…) ra ngoài thành phố để giảm sức ép về phát triển hạ tầng, đồng thời có quỹ đất để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng tại Quyết định số 2117/QĐ-UBND ngày 14-5-2019” .

Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN), thời gian qua, đối với hoạt động của các KCN, thành phố nhất quán  chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như luyện phôi thép, xi-măng... đổi mới công nghệ, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường tại các KCN. Về lâu dài, cần tính toán di dời, chuyển đổi các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm này ra khỏi các KCN, nhất là KCN Hòa Khánh. Đối với các khu, cụm công nghiệp chuẩn bị hình thành, thành phố hướng đến xây dựng các khu, cụm công nghiệp sinh thái.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.