Thúc đẩy cải cách mạnh mẽ về thể chế để phát huy mọi nguồn lực

Phát biểu tại hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia và phát động phong trào “Năng suất lao động quốc gia” trong toàn bộ nền kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 7-8 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thấp hơn so với các nước vì có xuất phát điểm thấp.

Chỉ ra những điểm nghẽn khiến năng suất nói chung và năng suất lao động Việt Nam chưa tăng như kỳ vọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đó là thể chế kinh tế, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường đặc biệt là thị trường lao động, giá cả...; đặc biệt là tiền lương chưa vận hành theo cơ chế thị trường. Trình độ kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp. Giáo dục thiếu hụt nguồn lao động kỹ năng cao đặc biệt là các kỹ năng công nghệ mới, công nghệ 4.0. Nền tảng khoa học công nghệ chưa cao, nhất là phương diện đầu tư là ứng dụng công nghệ. Động cơ sáng tạo đổi mới còn thiếu và yếu...

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 6 định hướng lớn để cải cách thúc đẩy tăng năng suất lao động tại Việt Nam. Đầu tiên là cải cách thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp dịch vụ đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao, từ giá trị gia tăng thấp sang giá trị gia tăng cao hơn. Cải cách khu vực tài chính ngân hàng để bảo đảm cung cấp cho khu vực có năng suất cao hơn.

Định hướng nữa là cải cách nhanh hơn khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân và khu vực khác như hợp tác xã để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó là tiếp tục thu hút FDI mạnh mẽ nhưng có chọn lọc, ưu tiên dự án có hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ, có sức lan tỏa và mang lại giá trị gia tăng cao để góp phần đưa năng suất lao động cao hơn; đồng thời kết hợp giữa FDI với doanh nghiệp trong nước để chuyển giao công nghệ mạnh mẽ hơn. Định hướng cuối cùng là không ngừng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; tham gia vào dòng chảy thương mại kinh tế quốc tế để biến dòng chảy này thành lực đẩy cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động).

Cùng với 6 định hướng lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cụ thể hóa những định hướng này nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng năng suất lao động. Nhiệm vụ hàng đầu là thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực, có thể huy động phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất; tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả phía cung và phía cầu; bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp đều tham gia vào thị trường lao động với chi phí giao dịch thấp nhất, người lao động tìm được việc làm phù hợp phát huy tối đa năng lực của mình. Thủ tướng cũng đề nghị thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những tài năng cả trong và ngoài nước, đặc biệt các chuyên gia, du học sinh.

Thủ tướng cũng lưu ý nhiệm vụ xây dựng cơ chế cán bộ mở trong cơ quan Nhà nước để thu hút người giỏi, tài năng. Đi liền với đó là nâng cao chất lượng giáo dục, định hướng ưu tiên đào tạo tài năng, kỹ năng mới; coi đây là quốc sách hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh mới. Lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới, có thể phát huy được năng lực. Do đó, đầu tư cho khoa học công nghệ cũng là một trong những chính sách cần ưu tiên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho các bộ, các địa phương, các doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm để đưa năng suất lao động Việt Nam phát triển, đặc biệt là xây dựng chính sách.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát động phong trào năng suất lao động quốc gia và khẳng định Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia tích cực đồng bộ quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, các giải pháp để tăng năng suất lao động.

Theo TTXVN
 

;
;
.
.
.
.
.