.

4 "mũi nhọn" giảm nghèo theo chuẩn mới

.

Thời gian qua, lãnh đạo xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) thực hiện nhiều giải pháp về giảm nghèo theo chuẩn mới và phát triển kinh tế hộ phù hợp thực tế, mang lại hiệu quả cao.

Trồng bí đao tại vùng rau chuyên canh thôn Thạch Nham Tây.
Trồng bí đao tại vùng rau chuyên canh thôn Thạch Nham Tây.

Toàn xã Hòa Nhơn hiện có 403 hộ nghèo theo chuẩn mới, trong đó 297 hộ còn sức lao động, 106 hộ không còn sức lao động. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nơi đây thường xuyên quan tâm công tác giảm nghèo và đề ra nhiều giải pháp để thực hiện như: hỗ trợ và vận động các nguồn tài trợ để giúp các trường hợp không còn sức lao động; đối với những hộ còn sức lao động, lãnh đạo xã chủ trương hỗ trợ phương tiện sinh kế, kỹ thuật, cho vay vốn ưu đãi, hướng dẫn cách thức làm ăn để các hộ vượt khó thoát nghèo. Lãnh đạo xã tập trung đầu tư, hỗ trợ cho người dân vượt khó vươn lên với 4 mũi nhọn: sản xuất nấm, rau sạch, giá đỗ và nuôi gà thả vườn.

Nhờ được tập huấn kỹ thuật và được các cơ quan chức năng của huyện, thành phố hỗ trợ vật tư, thiết bị, nhiều nông dân Hòa Nhơn mạnh dạn đầu tư xây dựng trại sản xuất nấm, mang lại hiệu quả cao. Chị Lê Thị Hiếu (thôn Phước Thái), ông Nguyễn Văn Dự (thôn Phước Thuận) đều có trại nấm lớn với hơn 3.000 bịch nguyên liệu, hằng ngày bán được từ 10 đến 15kg sản phẩm.

“Ngày thường, nấm bán 45.000 đồng/kg; vào dịp rằm, mồng 1 hằng tháng giá đắt gấp rưỡi, gấp đôi”, chị Hiếu chia sẻ. Đặc biệt, anh Nguyễn Văn Nhi (thôn Thạch Nham Đông) đã sản xuất được nấm linh chi, một loại nấm dược liệu có giá trị cao. Anh Nhi cho biết, giá nấm linh chi từ 800.000 đến 1,1 triệu đồng/kg, có thương lái tới mua tại chỗ, người tiêu dùng cũng thường xuyên đến trại mua, làm ra mấy cũng bán hết.

Mô hình trồng rau sạch phát triển mạnh trong toàn xã, thu hút hơn 200 hộ canh tác, với hiệu quả cao hơn trồng lúa cả chục lần. Riêng 3 thôn Ninh An, Thạch Nham Tây và Phước Hưng Nam được các dự án tài trợ xây dựng vùng rau chuyên canh với tổng cộng hơn 4 hecta.

Nổi bật nhất là dự án QSEAP tài trợ cho vùng rau chuyên canh ở thôn Thạch Nham Tây với đầy đủ cơ sở hạ tầng, gồm nhà sơ chế, giàn sắt, giếng bơm, bể nước và đường giao thông nội bộ. Dự án có tổng kinh phí 7 tỷ đồng. Ngoài ra, người trồng rau nơi đây còn được tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ một phần chi phí vốn, giống.

Chị Trần Thị Thủy, một trong những nông dân hưởng lợi từ dự án QSEAP, phấn khởi cho biết, chị canh tác 6 sào với nhiều loại rau, đậu ngắn ngày, riêng bí đao bán được 6 triệu đồng/tháng, các loại rau, đậu khác bình quân mỗi ngày bán 350.000 đồng.

Ông Mạc Như Pháp với 1.000m2 luân canh và xen canh các loại rau ăn lá và rau bò giàn như cải xanh, rau dền, tần ô, ổ qua, dưa leo, đem lại thu nhập hơn 14 triệu đồng/tháng. “Hễ mình làm đúng kỹ thuật, siêng năng chăm bón, tưới nước thì có sản phẩm bán quanh năm và được hưởng toàn bộ”, ông Pháp chia sẻ.

Sản xuất giá đỗ và nuôi gà thả vườn chỉ làm tranh thủ trong thời gian nông nhàn, nhưng hiệu quả cao hơn cả công việc chính (trồng lúa). Bà Đặng Thị Tươi (thôn Phú Hòa) cho biết, 1 kg hạt đỗ xanh làm ra từ 6 đến 10kg giá đỗ, mỗi kg giá 12.000 đồng và ngày nào bà cũng bán được gần 100kg giá…   

Ở Hòa Nhơn, tất cả hộ nghèo có nhu cầu vay vốn lãi suất thấp để sản xuất-kinh doanh đều được quan tâm giải quyết kịp thời. Những hộ cần hỗ trợ kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, hay cần tư vấn kỹ thuật xử lý sâu bệnh đều có cán bộ đến tận nơi hướng dẫn. “Lãnh đạo xã vừa chăm lo các giải pháp giảm nghèo bền vững, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng”, Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Đạt cho biết.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.