.

Làng Hến nắng nổi, mưa chìm

.

Làng Hến là tên gọi khác của thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Thôn Đông Hòa gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Phong Nam cổ xưa.

Tên làng Hến để chỉ dẫn địa lý và nói về nghề cào hến của cư dân nơi đây. Làng Hến, hay xóm Hến ngày nay “nổi chìm” khi hằng năm phải tất bật chạy lụt, tránh úng.

Làng Hến - Đông Hòa, xã Hòa Châu với trên 700 hộ dân đang sinh sống ở vùng trũng thấp, thường xuyên bị tác động bởi lũ lụt, ngập úng.
Làng Hến - Đông Hòa, xã Hòa Châu với trên 700 hộ dân đang sinh sống ở vùng trũng thấp, thường xuyên bị tác động bởi lũ lụt, ngập úng.

Nửa quê nửa phố

Ông Lê Đức Thi, Trưởng thôn Đông Hòa nói về làng Hến của ông với giọng trầm buồn: “Thôn Đông Hòa ngày nay phố thị cũng không phải mà làng quê cũng không; làng quê này năm nào cũng tất bật chạy lụt, tránh úng”. Năm 2004, quốc lộ 1A được nâng cấp mặt đường, nâng cao nền nên thôn Đông Hòa thành vùng trũng thấp. Tiếp đó, các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới phía Nam cầu Cẩm Lệ làm cho thôn Đông Hòa bị chia cắt, chìm dưới các nền đất cao. Từ đó, khi vào mùa mưa hằng năm, thôn Đông Hòa luôn bị ngập lụt, ngập úng triền miên.

Nhà ông Lê Đức Thi ở vị trí triền dốc đường dẫn lên quốc lộ 1A, năm nào cũng có nước lụt dâng cao từ 1-2m; đỉnh lũ năm 2009 lên trên 3,5m. Những tác động của quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, khu đô thị mới đã cắt đứt các kênh mương thoát nước tự nhiên làm biến đổi cuộc sống của xóm làng có truyền thống hàng trăm năm qua.

Ông Thi kể, người dân Đông Hòa khi nghe bản tin thời tiết thông báo mực nước sông cầu Đỏ ở mức báo động 3 là cuống cuồng chống lụt. Sự khác biệt của thôn Đông Hòa là đón lũ lụt xong thì quay ra chống úng. Nước mưa từ các khu đô thị Nam cầu Cẩm Lệ, Hòa Tiến, Phong Nam đổ xuống; nước sông cầu Đỏ tràn vào gây ngập nhưng không có cống thoát dẫn đến ngập úng. Rác thải khắp nơi tràn về, xác gia súc, gia cầm bập bềnh trong ao tù nước đọng gây không khí ngột ngạt, tác động đến cuộc sống người dân.

Khi triển khai các dự án khu đô thị Nam cầu Cẩm Lệ, hộ giải tỏa ở các khu vực Bàu Cầu, Cẩm Nam về thôn Đông Hòa mua đất, cất nhà xây dựng chạy quy hoạch để hưởng lợi thêm về chính sách đền bù giải tỏa. Người dân khắp nơi ở thành phố đổ về Đông Hòa tìm mua đất, dân địa phương cũng tách thửa làm nhà cho con cái. Một thời gian ngắn, thôn Đông Hòa chỉ từ 500 hộ dân thì nay đã vượt trên 700 hộ; trong số này có trên 100 hộ không cư trú thường xuyên. Tình trạng nhà vắng chủ gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính; triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở thôn gặp khó khăn.

Làm nông... không ruộng

Thôn Đông Hòa nổi tiếng với nghề xúc hến, làng quê này đã đi vào câu ca “Đông Hòa bán hến mua trâu”. Ông Lê Đức Thi kể, gia đình ông cũng mấy đời xúc hến trên sông, vỏ hến thải ra cung cấp cho hàng chục lò nung vôi sản xuất quanh năm không hết.

Tuy nhiên, xúc hến là nghề phụ, nghề nông là chính khi cánh đồng quanh làng có diện tích trên 70ha là ruộng lúa bời bời. Người làng Hến lấy tiền bán hến mua trâu về cày ruộng, làm lúa nên Đông Hòa là vùng quê trù mật bao đời qua. Thế nhưng, các dự án khu đô thị Nam cầu Cẩm Lệ đã lấy đi 65ha đất sản xuất nông nghiệp.

Thôn Đông Hòa hiện chỉ còn 5ha ruộng lúa phía Tây quốc lộ 1A giáp với thôn Phong Nam nhưng kênh thủy lợi đã bị chia cắt. Nông dân làm ruộng phải dùng máy bơm nhưng cũng thiếu trước hụt sau, chi phí sản xuất tăng nên người dân cũng không mặn mà sản xuất và có nguyện vọng chuyển mục đích sử dụng. Người nông dân thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu bây giờ không có đất sản xuất nông nghiệp và tự kiếm việc làm với bất cứ công việc gì như buôn bán nhỏ, làm thợ nề, chăn nuôi…

Giải quyết sự bức xúc về ổn định cuộc sống của người dân thôn Đông Hòa, ngày 7-1-2015, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho thôn Đông Hòa thuộc dự án khu dân cư đông nam cầu Đỏ với tổng kinh phí 107,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 19-5-2015, Sở KH-ĐT thành phố đã xác định nguồn vốn đầu tư quá lớn để giải quyết mục đích thoát nước khu dân cư là thiếu khả thi hiệu quả.

Ngày 4-8-2015, Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng có báo cáo UBND thành phố về thay đổi giá trị kinh phí đầu tư và phương án xử lý thoát nước khu dân cư làng Hến. Theo đó, làng Hến dự kiến đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và bê-tông kiệt, hẻm trên nguyên tắc bám theo cao độ hiện trạng; đầu tư xây dựng tuyến đường bao vượt lũ với tần suất P5%=4.45m; xây dựng hồ điều tiết và trạm bơm chống ngập. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 76,678 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư trạm bơm thoát nước cưỡng bức có giá trị 15 tỷ đồng.

Chỉnh trang và giải tỏa

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, các mức đầu tư để chống ngập úng cho khu dân cư làng Hến – Đông Hòa là rất lớn và chưa phát huy hiệu quả bởi chưa giải quyết căn cơ về vấn đề xử lý ngập úng, tiêu thoát nước.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cũng xác định ở khu dân cư làng Hến cần được nghiên cứu xây dựng phương án giải tỏa, tái định cư. Vướng mắc ở phương án này là mật độ nhà ở khu dân cư đông đúc nên kinh phí đền bù giải tỏa và quỹ đất bố trí tái định cư lớn.

Ngày 8-8-2015, tại cuộc họp rà soát quy hoạch và quỹ đất tái định cư trên địa bàn huyện Hòa Vang, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn xác định được 200 lô đất tại các khu dân cư A và B, khu đô thị Nam cầu Cẩm Lệ có thể đưa vào quỹ đất tái định cư cho khu vực làng Hến.

Tuy nhiên, thực hiện chủ trương giải tỏa, sắp xếp lại khu dân cư mới ở thôn Đông Hòa cần có gần 1.000 lô đất. Để phương án giải tỏa thực hiện được cần có sự đồng thuận của nhân dân, trong đó có việc huy động sức dân từ việc định giá trị đền bù, phân loại đối tượng và tình trạng sử dụng đất để giải quyết đất ở tái định cư.

Cần sửa chữa cầu vào thôn Phong Nam

Đường  nối quốc lộ 1A và đường ĐT 605 qua địa bàn thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) vừa được nâng cấp bê-tông hóa toàn tuyến, rộng 7m. Đây là đường độc đạo chạy qua thôn. Hiện tại, trên tuyến đường này, chiếc cầu duy nhất kết cấu bằng bê-tông cốt thép xây dựng đã lâu đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo đảm an toàn giao thông, tại 2 đầu cầu, người dân địa phương làm gác chắn qua đường và có biển báo cấm xe tải lưu thông. Mấy ngày vừa qua, không ít xe tải khi chạy đến gần cầu mới phát hiện ra có gác chắn phía trước, do đường không đủ rộng  để quay đầu nên phải lùi đoạn đường khá xa.

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố và huyện Hòa Vang cần khẩn trương đầu tư xây mới cầu để bảo đảm giao thông.

N.C

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.