Sáng 13-8, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015.
Tại hội thảo, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, khẳng định việc tăng lương 16% không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp: "Hiện nay, công nhân thích làm tăng ca không phải mục đích tích luỹ để đủ sống mà đó là việc bất khả kháng. So với các nước Đông Nam Á, tiền lương trả cho người lao động Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia và Lào".
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất với Hội đồng tiền lương Quốc gia mức lương tối thiểu của 4 vùng năm 2016 dự kiến sẽ được tăng từ 350.000-550.000 đồng/mức. Cụ thể, vùng 1 tăng 550.000 đồng, vùng 2 tăng 450.000 đồng, vùng 3 tăng 400.000 đồng, vùng 4 là 350.000 đồng. Đến năm 2017, mức lương tối thiểu vùng sẽ được đề xuất tiếp tục tăng, cụ thể vùng 1 tăng 650.000 đồng, vùng 2 tăng 600.000 đồng, vùng 3 tăng 550.000 đồng, vùng 4 tăng 500.000 đồng.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, việc đưa ra mức đề xuất trên dựa vào 3 dự báo, gồm chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm, tăng trưởng kinh tế khoảng 6%,5 /năm và năng suất lao động xã hội tăng khoảng 3-3,5%/năm. Đồng thời, dựa vào Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành để đưa ra đề xuất.
Theo ông Chính, năm 2015, tiền lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu thiết yếu của người lao động. Ông cho biết, Luật bảo hiểm xã hội lần này cũng đã có một sự liên thông giữa cơ quan thuế và BHXH. Nguyên nhận được đưa ra là các doanh nghiệp hiện nay đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật. “Họ làm 2 hệ thống bảng lương để lách luật. Một bảng lương báo cho BHXH, là tiền lương đóng cao hơn lương tối thiểu một chút”, lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động nói.
Ông Chính lấy ví dụ: Doanh nghiệp ký hợp đồng với người lao động là 4,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng, nhưng họ lại trả mức lương cho công nhân 3,1 triệu đồng. Và doanh nghiệp báo cho BHXH họ trả lương cho người lao động 3,1 triệu đồng, cao hơn mức lương tối thiểu nên chỉ đóng 22% mức BHXX. Nhưng mức 5 triệu thực chất là lương vì tiền thưởng doanh nghiệp phải lấy từ lợi nhuận doanh nghiệp.
“Vì vậy, tới đây, Chính phủ chỉ đạo phải có sự liên thông giữa cơ quan thuế và BHXH. Nếu có quy định này, doanh nghiệp không thể nói họ có hai bảng lương được”, ông cho biết thêm. "Doanh nghiệp nào cũng nói người lao động là vốn quý, nhưng mà khi trả lương cho người lao động thì cò kè?", ông nói. Theo Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức Tổng liên đoàn đưa ra hiện nay, doanh nghiệp đang được lợi.
Tổng liên đoàn đã khảo sát 1.600 lao động thuộc các ngành dệt may, giày da, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử tại 10 tỉnh thành với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương. Kết quả cho thấy, 20% lao động không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy. Mức chi tiêu trung bình của người lao động phải nuôi con là hơn 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.
"Tôi thấy một chương trình truyền hình về tiền lương cũng đưa ra 2 bức tranh, ông chủ khó khăn thế này thế kia trong khi một bức tranh đưa ra là người công nhân bữa cơm chiều chỉ có vài miếng đậu phụ, vài cọng rau muống luộc và con cá khô. Nói gì thì nói, năm trước nền kinh tế khó khăn đến mức vậy vẫn có thể tăng đến 400.000 đồng, trong khi đó năm nay phát triển hơn lại không thể tăng được thêm 100.000 đồng hay sao? Đối với người công nhân, 5.000 đồng cũng là quý giá. Vì thế, nếu chúng ta cứ đưa ra mức đó chắc chắn đình công sẽ nhiều", ông Chính nói.
Theo Zing